post

Volkswagen : Tai tiếng bắt nguồn từ “văn hóa sợ hãi”

volkswagen-usaVụ tai tiếng Volkswagen dường như vẫn chưa tới hồi kết. Cổ phần của tập đoàn Đức đã mất tới 42% từ 168 euro nay chỉ còn 97 euro. Báo Le Monde ngày 10/11/2015 đăng bài phân tích nguyên nhân, theo đó vụ tai tiếng Volkswagen bắt nguồn từ điều mà tờ báo này gọi là ‘‘văn hóa sợ hãi’’. Ngày càng có nhiều kỹ sư và chuyên viên thú thật họ đã có hành vi gian lận vì không thể thực hiện được những chỉ tiêu do ban giám đốc áp đặt.

Le Monde trích dẫn tờ báo Bild cho biết, các chuyên viên kỹ thuật làm việc cho tập đoàn Volkswagen thừa nhận họ đã gian lận kiểm tra phát thải xe hơi cũng như về lượng tiêu thụ nhiên liệu của động cơ từ năm 2013 cho tới mùa xuân năm 2015. Điều đó có nghĩa là vụ gian lận này không chỉ liên quan tới các loại xe cũ, mà luôn cả các kiểu xe mới, vừa được lắp ráp hồi đầu năm 2015. Câu hỏi mấu chốt đặt ra là nếu như không làm được thì tại sao họ lại không nói với cấp trên ? Để hiểu được điều này thì có lẽ ta phải nhìn vào cung cách điều hành của ban giám đốc.

 

Theo Le Monde, sở dĩ các kỹ sư buộc phải gian lận là vì dù có tài cách mấy, họ vẫn không thực hiện những mục tiêu đầy tham vọng do ban giám đốc đề ra. Ông Martin Winterkorn lên làm Tổng giám đốc Volkswagen từ năm 2007, đến cuối tháng 10/2015, ông bị buộc phải từ chức do vụ tai tiếng. Vào năm 2012, ông Martin Winterkorn đã cam kết trong vòng ba năm, Volkswagen sẽ giảm 30% lượng phát thải khí CO2 trên các kiểu xe do tập đoàn này sản xuất.

Vấn đề ở đây, theo các chuyên gia, Volkswagen giống như là một nền ‘‘quân chủ chuyên chế’’, cấp trên ban hành những chỉ tiêu mà cấp dưới buộc phải tuân thủ thực hiện, chứ không thể bàn thảo hay xem xét lại tính khả thi. Cung cách điều hành theo kiểu áp đặt này lâu ngày tạo ra một tư duy ‘‘phục tùng’’, cấp dưới phải làm bằng mọi giá để đạt mục tiêu, chứ không hề có chuyện cãi lại lệnh trên.

Cấp trên ban lệnh, cấp dưới phục tùng 

Truyền thống ấy, theo Le Monde, đã có từ hơn hai thập niên nay trong tập đoàn Volkswagen. Vào những năm 1990, ông Ferdinand Piech nổi tiếng là một vị tổng giám đốc điều hành với bàn tay sắt thép. Dù có gặp khó khăn, không ai dám lên tiếng bày tỏ vấn đề với ông. Người kế vị là ông Martin Winterkorn, một người chuyên nổi cơn thịnh nộ, áp dụng cách thức điều hành công ty do người tiền nhiệm vạch ra.

Cánh tay phải của ông là giám đốc tài chính Hans Dieter Potsch. Cả hai nhân vật này không chấp nhận bất cứ lời chỉ trích nào trong các cuộc họp. Do vậy, dù khó khăn cách mấy, ban kỹ sư vẫn phải tìm cách xoay sở, thà phải làm việc thêm, thà cắn răng chịu đựng áp lực, còn hơn là hứng trận lôi đình của ban giám đốc, còn hơn là họ bị cho thôi việc.

Với tân giám đốc Matthias Muller, không khí giờ đây có vẻ thông thoáng cởi mở hơn. Tờ báo Bild cho biết chính cũng vì không còn chịu đựng nổi áp lực, mà một số chuyên viên kỹ thuật đã lên tiếng báo động về những điều bất thường trong tập đoàn Volkswagen. Theo giới điều tra nội bộ, nhiều lời chứng có tác động giải tỏa tâm lý, một số chuyên viên tuy vẫn còn sợ, nhưng khi thú nhận họ cảm thấy đã trút đi được phần nào gánh nặng. Hiện có khoảng 10 kỹ sư dính líu vào vụ gian lận kiểm tra phát thải xe hơi, nhưng mức độ có thể còn nghiêm trọng hơn nữa, do việc thu thập lời chứng chỉ mới ở giai đoạn đầu.

Cho tới giờ, chưa có ai dám quả quyết là mọi chuyện đã được làm sáng tỏ hay là trong thời gian tới người ta sẽ lại phanh phui thêm nhiều vụ bê bối khác. Theo các chuyên gia, trong đó có bà Mary Nichols, thuộc cơ quan kiểm soát tài nguyên và chuyên trách về các vấn đề ô nhiễm không khí bang California, thì mức độ tác hại có thể còn nghiêm trọng hơn nhiều.

Phía chính quyền Mỹ than phiền về thái độ thiếu hợp tác của tập đoàn Volkswagen. Có lẽ cũng vì thế mà cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ giờ đây làm việc chung với FBI. Để điều tra cặn kẽ về vụ gian lận phát thải, họ quyết định tịch thu hộ chiếu của chuyên gia làm việc cho Volkswagen, từ Đức gửi sang Hoa Kỳ. Điều đó chẳng khác gì một gáo nước lạnh dội vào đầu ban giám đốc tập đoàn Volkswagen, chẳng còn ai trong giới lãnh đạo tập đoàn này mà còn dám đi Mỹ.

Bầu cử Miến Điện : Thách thức chờ đợi đảng đối lập

Về châu Á, báo chí Pháp đều quan tâm đến cuộc bầu cử Quốc hội Miến Điện. Báo Le Figaro chạy tựa lớn : “Chính quyền Miến Điện thừa nhận thất bại”. Còn tờ Libération đăng hàng tít lớn : “Đảng đối lập giành thắng lợi, quân đội Miến Điện chịu thua”.

Tuy không hẹn nhưng cả hai tờ báo hầu như có cùng nhận định. Cho dù chưa có kết quả chung cuộc, nhưng việc kiểm phiếu công nhận từng bước, đà thắng lợi của đảng của bà Aung San Suu Kyi. 80% trên tổng số 30 triệu cử tri ồ ạt rủ nhau đi bầu, Liên minh Quốc gia vì Dân chủ có thể chiếm hơn 70% số ghế. Một thành quả bước đầu đáng phấn khởi cho đảng đối lập.

Điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là tại một quốc gia mà chính quyền không bao giờ thừa nhận thất bại, lần đầu tiên, những nhân vật đại diện cho đảng cầm quyền (ông Kyi Win và ông Htay Oo) đã công nhận thắng lợi của phe đối lập, và như vậy thừa nhận thất bại của đảng của Tổng thống Thein Sein.

Báo Le Monde gọi cuộc bầu cử này là một phong trào ủng hộ ‘‘The Lady’’ hay là “Quý Bà Rangoun”, biệt danh mà báo chí đặt cho bà Aung San Suu Kyi. Phong trào ủng hộ đó không phải là một cơn sóng mạnh triều cường, mà là một ngọn sóng thần. Điều đó phản ánh khao khát đổi mới nơi người dân Miến Điện, họ mong muốn đất nước sớm được dân chủ hóa.

Tuy nhiên, có rất nhiều thách thức chờ đợi bà Aung San Syu Kyi và Liên minh Quốc gia vì Dân chủ : Vấn đề xung đột sắc tộc cũng như tôn giáo, lệnh ngưng bắn ký kết với các nhóm vũ trang vẫn còn rất mong manh, như qua phản ánh của bài phóng sự đăng trên tạp chí l’Express, chưa kể tới cộng đồng hồi giáo tại bang Arakan cũng không được quyền đi bỏ phiếu ….. Liên minh Quốc gia vì Dân chủ, từ vị trí đảng đối lập chuyển sang đảng  cầm quyền, sẽ phải tìm cách giải quyết cùng lúc nhiều vấn đề. Chuyển từ lý thuyết sang thực hành mới thật sự là chuyện khó.

Nga-Trung muốn giành thị phần hàng không dân dụng

Về kinh tế, báo Le Monde nhân cuộc Triển lãm hàng không tại Dubai, ghi nhận sự hiện diện khá đông đảo của công ty sản xuất máy bay Nga. Các công ty Nga tới Dubai để chào hàng, hy vọng ký thêm hợp đồng hàng không dân dụng.

Tập đoàn UAC (United Aircraft Corporration) tập hợp đến 6 công ty, trong đó có Sukhoi, Irkut hay Tupolev. Tập đoàn Nga đang cải tiến loại máy bay SuperJet, có thể chở từ 100 đến 120 hành khách, và sản xuất loại MC-21 để cạnh tranh trực tiếp với A320 của tập đoàn châu Âu Airbus cũng như với kiểu máy bay 737 của tập đoàn Mỹ Boeing.

Tháng Ba vừa qua, chính quyền Nga đã tháo khoán 2 tỷ đô la để hỗ trợ cho dự án này, và đó là dấu hiệu cho thấy Nga bắt đầu chú trọng tới tầm chiến lược của ngành sản xuất máy bay dân dụng. Nhưng xa hơn nữa, Nga đang hợp tác với Trung Quốc để cùng chế tạo một kiểu máy bay đường dài.

Để thực hiện dự án đầy tham vọng này, Nga đã lập hai quỹ đầu tư, với mức vốn tổng cộng là 110 tỷ đô la để tài trợ từng bước việc thực hiện kế hoạch. Mục tiêu của Nga là giành lấy thị phần từ tay hai tập đoàn Boeing và Airbus, để rồi trong 5 năm hay 10 năm tới, Nga hy vọng có tên trên danh sách các tập đoàn sản xuất máy bay thuộc vào hạng nhất nhì thế giới.

Tarantino không sợ áp lực của cảnh sát Mỹ

Phụ trang văn hóa của tờ báo Libération phản ánh cuộc tranh luận tại Hoa Kỳ liên quan tới những tuyên bố của đạo diễn Quentin Tarantino tố cáo các vụ bạo hành của cảnh sát. Liên đoàn cảnh sát Mỹ kêu gọi các thành viên tẩy chay Tarantino, vào lúc đạo diễn này đưa phim đi quảng bá tại các liên hoan, trước khi phim được công chiếu.

Báo Libération nhắc lại là hồi cuối tháng 10/2015, đạo diễn Tarantino đã tham gia cuộc tuần hành « Rise Up October » tại thành phố New York, hầu phản đối các vụ cảnh sát bắn chết người da đen. Phát biểu tại diễn đàn, đạo diễn Mỹ tuyên bố khi thấy có án mạng, ông nói rất rõ ràng, kẻ chết là nạn nhân và kẻ giết người là tên sát nhân, không hơn không kém.

Theo báo Libération, tuyên bố ấy biến Tarantino thành ‘’kẻ thù số một’’ của các liên đoàn cảnh sát, họ cho rằng đạo diễn Mỹ đổ thêm dầu vào lửa, một tuyên bố ‘’vô trách nhiệm’’ do đạo diễn Tarantino không nhắc tới vụ sát hại một viên cảnh sát (người gốc Guyane) tại khu phố Harlem, bốn ngày trước cuộc tuần hành Rise Up October.

Ngay lập tức, ông Patrick Lynch, Chủ tịch Liên đoàn Cảnh sát New York PBA (Patrolmen’s Benevolent Association) đã kêu gọi các thành viên tẩy chay đạo diễn Tarantino, nhắc nhở rằng ngay từ bộ phim đầu tay là Reservoir Dogs (năm 1992), Tarantino đã có tư tưởng ‘’bài cảnh sát‘’, gán ghép cho lực lượng an ninh những hình ảnh hung bạo, không ngần ngại dùng vũ lực trong những lúc hỏi cung.

Chỉ trong vài ngày, phong trào chống lại Tarantino lan rộng. Liên đoàn quốc gia (National Association of Police Organization) với hơn 240.000 thành viên kêu gọi giới cảnh sát tẩy chay việc bảo đảm an ninh cho tất cả các sự kiện liên quan tới Tarantino. Lời kêu gọi này rơi vào lúc Tarantino đang đem bộ phim mới “The Hateful Eight” đi quảng bá hơn một tháng trước ngày công chiếu.

Điều đó đã buộc đạo diễn Tarantino phải lên tiếng. Trả lời báo Los Angeles Times, ông cho biết người ta đã hiểu sai lời tuyên bố của mình, vì ông chưa bao giờ nói tất cả các cảnh sát đều là kẻ sát nhân. Ông chỉ nói tới các trường hợp cảnh sát lạm dụng vũ lực, và nạn nhân thường là người da đen. Cũng theo nhà đạo diễn, thay vì xem xét lại vấn đề hầu đề ra các biện pháp giải quyết thích hợp, các liên đoàn cảnh sát lại chĩa mũi dùi vào ông, cách hạ bệ uy tín này là để cho tuyên bố của ông không còn đáng tin cậy.

Tranh luận tăng thêm một bậc, vì sau nữ văn hào Joyce Carol Oates, đến phiên đạo diễn Michael Moore lên tiếng bênh vực Tarantino. Còn phía cảnh sát thì phản bác lại, qua tuyên bố của ông Craig Lally, lãnh đạo liên đoàn cảnh sát Los Angeles (Los Angeles Police Protective League) cho rằng : đạo diễn Tarantino vô trách nhiệm vì tuyên bố của ông sẽ khiến cho công tác và nhiệm vụ của giới cảnh sát đồng phục sẽ thêm khó khăn, nguy hiểm.

Theo Libération, cuộc tranh luận xung quanh Tarantino cho thấy nạn bạo hành trong giới cảnh sát vẫn còn là một vấn đề phức tạp, nhất là sau vụ Ferguson, cả hai phe bênh và chống khó thể nào mà đối thoại một cách điềm tĩnh. Vấn đề phức tạp hơn nữa do nó liên quan tới nạn phân biệt đối xử và kỳ thị sắc tộc, một vết thương chưa hẳn lành vết hơn, nửa thế kỷ sau phong trào đấu tranh dân quyền cho cộng đồng người da đen. Cuộc tranh luận vẫn chưa ‘’ngã ngũ’’ và có thể bùng lên trở lại khi bộ phim The Hateful Eight được cho ra mắt khán giả Mỹ cuối năm nay.

volkswagen-usa