post

Kingsman, điệp viên học cách phớt tỉnh Ăng Lê

kingsman-colin-firth-kolin

Hiệu may Kingsman : Colin Firth đóng vai phụ mà lại ”ngầu” hơn vai chính – DR

Tuấn Thảo RFI
Phim “Đặc Vụ Kingsman” (2015)
“Kingsman Secret Services”

Chỉ với năm bộ phim thực hiện trong vòng mười năm, đạo diễn người Anh Matthew Vaughn đã trở thành một tên tuổi khá ăn tiền trong ngành làm phim. Ngoài đời là chồng của Claudia Schiffer, Matthew Vaughn còn là bạn của các ngôi sao màn bạc Daniel Craig, Brad Pitt và Jason Statham …

      KINGSMAN_2015_TUAN_THAO.mp3

Vào năm 44 tuổi, đạo diễn Matthew Vaughn anh trở lại với bộ phim Kingsman, The Secret Service (Điệp vụ Kingsman), một bộ phim ăn khách không những ở châu Âu, mà còn ở Bắc Mỹ, cho dù kinh phí của phim này chỉ bằng một phần ba so với bộ phim bom tấn Jupiter Ascending.

Phóng tác từ bộ truyện tranh cùng tên của hai tác giả Mark Millar và Dave Gibbons, bộ phim Kingsman vay mượn mô hình của dòng phim gián điệp, để rồi phá vỡ cấu trúc bằng các màn hài hước, nhân vật lời thoại đôi khi rất nghiêm túc, nhưng tình huống bối cảnh thì lại thoáng nét khôi hài, phớt tỉnh ăng lê. Đây không phải là lần đầu tiên Matthew Vaughn chuyển thể truyện tranh lên màn ảnh lớn.

Trước đó anh đã từng thành công với bộ phim Kick Ass, với nội dung tếu lâm, giễu cợt chế nhạo dòng phim ‘‘siêu anh hùng’’. Một cách tương tự, có thể nói Điệp vụ Kingsman là một tác phẩm nhại lại các bộ phim gián điệp : từ James Bond trong loạt phim điệp viên 007, đặc vụ Jason Bourne bị săn lùng, cho tới Ethan Hunt trong Nhiệm vụ bất khả thi (Mission Impossible).

Trong truyện cũng như trong phim, Kingsman là tên của một cửa hiệu chuyên may đo âu phục dành cho phái nam. Nhưng thật ra, một cơ quan tình báo ẩn nấp đằng sau tấm bình phong này. Tổ chức này tuyển lựa và huấn luyện các tài năng mới để biến họ thành những điệp viên siêu đẳng. Nhân vật chính trong phim là Gary ‘‘ Eggsy’’ Price, một cậu thanh niên nghịch ngợm phá phách, không siêng năng học hành mà suốt ngày chỉ thích chơi bời lêu lổng. Ăn không ngồi rồi, phá làng phá xóm, Eggsy (do Taron Egerton đóng vai) rơi vào đường tù tội, bị cảnh sát bắt giam sau một vụ trộm cắp, lái xe quá tốc độ.

Cuộc đời của Eggsy có lẽ sẽ giống như bao thanh niên phạm pháp khác, sẽ không được ra tù nếu như không có sự can thiệp của Harry Hart (do Colin Firth thủ diễn), một người đàn ông với tướng mạo lịch lãm, phong cách quý phái. Ông sẽ dày công thuyết phục Eggsy gia nhập tổ chức tình báo Kingsman, nơi mà những người đàn ông có phong độ như công hầu tử tước, nhưng khi phải ra tay hành động thì cứ giết trước rồi báo sau : Kingsman là một đội ngũ phản gián tinh nhuệ, một thứ vũ khí sát thương đặc quyền tối thượng.

Tổ chức này sẽ phải tìm cách đối đầu với hung thần Richmond Valentine (do Samuel L. Jackson thủ vai), một nhà tỷ phú có bộ óc siêu việt nhưng không kém phần quỷ quyệt. Chạy đua với thời gian, cơ quan mật vụ Kingsman sẽ phải tương kế tựu kế hầu phá vỡ âm mưu thâm độc của nhà tỷ phú muốn xóa sổ nhiều thành phần dân cư trên địa cầu, thanh lọc toàn bộ thế giới để rồi từ đó mà lập ra một xã hội với trật tự mới.

Tính tới nay, dòng phim gián điệp đã có rất nhiều nhân vật, mỗi vai diễn lại có một cá tính và nét đặc thù riêng biệt : Lâu đời nhất vẫn là điệp viên 007, James Bond trường thọ, giết người không nháy mắt, cứng rắn nhưng lại có số đào hoa hơn cả. Jason Bourne là một điệp viên mất trí nhớ, lạnh lùng tàn khốc trong cuôc hành trình lần tìm ký ức. Trong nhiệm vụ bất khả thi, Ethan Hunt là nhân vật có vẻ cân đối hơn ai hết, một sát thủ không đơn độc, cho dù lâm vào đường cùng vẫn làm việc theo êkíp. Chưa kể đến nhân vật Jack Ryan trong loạt truyện của Tom Clancy mà Harrison Ford, Alec Baldwin, Ben Affleck và Chris Pine từng thể hiện trên màn bạc, Jack Ryan là một điệp viên ‘‘bất đắc dĩ’’, do hoàn cảnh đẩy đưa vì ban đầu anh là một chuyên viên phân tích thông tin tình báo.

Phía châu Âu, thì có loạt phim điệp viên Largo Winch, phóng tác từ bộ truyện tranh cùng tên, và nhất là nhân vật OSS 117 do nam tài tử người Pháp Jean Dujardin đóng trên màn ảnh lớn. Loạt phim này dung hoà hai thể loại gián điệp và phim hài, và như vậy trở nên gần giống hơn với bộ phim Kingsman của đạo diễn Matthew Vaughn. Một loạt phim khác nữa đậm chất hài hước do cố tình bắt chước điệp viên 007 chính là các bộ phim với nhân vật Austin Powers. Thế nhưng, cách pha trò chọc cười của loạt phim này không tinh tế có duyên bằng Điệp vụ Kingsman của đạo diễn Matthew Vaughn.

Nét độc đáo khác thường nhất trong phim Kingsman là thoát ra khỏi những lối mòn, vay mượn hệ thống ngôn ngữ và các hình tượng thường thấy trong phim gián điệp, rồi tận dụng các nét tương phản, thay vì khai thác điểm nhấn lại chọn các nút lệch trọng tâm. Sự tương phản xuất phát từ sự chênh lệch giữa một bên là điệp viên tân binh và một bên là các đặc vụ kỳ cựu.

Quan hệ ‘‘thầy trò’’ giữa hai nhân vật Harry và Eggsy, quá trình hướng dẫn huấn luyện một thanh niên có tư chất nhưng hơi làm biếng thành một điệp viên tài ba làm nảy sinh nhiều tình huống buồn cười đầy mâu thuẫn. Phim gián điệp nhưng lại đi vay mượn cách vận hành của thể loại buddy movies, dù hai nhân vật có khác biệt tuổi tác, dày dặn kinh nghiệm hay non nớt tay nghề nhưng họ vẵn phải hợp sức để đạt tới cùng một mục đích, đạo diễn Matthew Vaughn dùng cách ‘‘phản vế’’ để khuynh đảo cấu trúc của phim gián điệp.

Một trong những điểm hấp dẫn của bộ phim là việc xây dựng một hệ thống vai phụ khá chặt chẽ : ngoài Colin Firth, còn có Samuel L. Jackson trong vai phản diện và hai diễn viên Michael Caine và Mark Hamill trong vai chính diện. Sự góp mặt của nam tài tử Colin Firth ngay từ những giây phút đầu tiên xuất hiện trên màn ảnh khiến cho người xem nhiều lần cảm thấy thích thú. Đạo diễn Matthew Vaughn dùng cách nhập vai phản khuôn để tạo sự bất ngờ nơi người xem.

Thường thì khuôn mặt của nam diễn viên Colin Firth rất quen thuộc với khán giả, do anh thường đóng các bộ phim tình cảm, xã hội, tâm lý hay lịch sử … nhưng lần này Colin Firth không đóng một vai ‘’rập khuôn’’ như những gì khán giả chờ đợi mà lại xé rào khi vào vai một điệp viên thứ thiệt, nhanh nhẹn nhẹ nhàng khi tác chiến, nhưng vẫn sắt máu, gan lỳ chứ không như nhân vật M trong phim James Bond, cấp trên ngồi sau bàn giấy, ít khi nào lên tuyến đầu. Colin Firth đi ngược lại với hình ảnh của mình, nhập vai xuất sắc và thực hiện hầu hết các màn hành động trong phim chứ không cần phải có người khác để thay thế. Trong phim Kingsman, do Colin Firth nhập vai quá tài tình, cho nên khán giả không khỏi thắc mắc là tại sao từ trước tới nay, không có đạo diễn nào nghĩ tới chuyện giao cho anh một vai chính trong một bộ phim hành động.

Do bộ phim thích tận dụng khai thác sự phản lệch ngược chiều, cho nên trong ưu điểm của bộ phim, người ta có thể thấy một vài nhược điểm. Nam diễn viên trẻ tuổi Taron Egerton (vai Eggsy) được quảng cáo như một trong những gương mặt sáng giá nhất trong tương lai, coi vậy mà không có nhiều bề dày cho lắm … Tuy là vai chính, nhưng nhân vật Eggsy lại không thật sự nổi bật.

Bộ phim khắc họa một thanh niên bình thường bị lôi cuốn vào tình huống phi thường, trường đoạn huấn luyện các điệp viên mầm non, mở ra sự tranh tài thi đua giữa các ứng viên, cũng không thật sự làm nổi cộm độ căng thẳng rủi ro, dự báo cho các điệp vụ gai góc, đầy nguy hiểm đang chờ đón họ. Đành rằng trong phim, cậu thanh niên này thực hiện rất tốt các pha hành động nguy hiểm, khi phải nhảy ra ngoài máy bay từ trên cao rơi xuống, hay phải tìm cách thoát khỏi phòng kính đang dần dần ngập nước, thê nhưng khi đứng bên cạnh Colin Firth, thì cậu thanh niên lại hơi mờ nhạt và thiếu tự nhiên, trong lúc Colin Firth ung dung phớt tỉnh, phán cho nữhng câu nói mà người ta không biết là đùa hay thật, nghiêm túc mà lại có duyên.

Sau khi thành công với bộ phim X-Men Thế hệ đầu (X-Men First Class) và bộ phim Kick Ass nhại lại dòng phim super hero, đạo diễn Matthew Vaughn đã từ lâu nuôi mộng quay cho được một bộ phim gián điệp. Vào năm 2004, đạo diễn người Anh đã quay bộ phim đầu tay của mình mang tựa đề Layer Cake với nam diễn viên Daniel Craig trong vai chính. Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng : bộ phim này nói về một ‘‘tướng cướp’’ muốn rửa tay gác súng, nhưng rốt cuộc quá khứ vẫn không chịu để yên.

Đến khi Daniel Craig được tuyển vào vai điệp viên 007, đạo diễn Matthew Vaughn lúc ấy hy vọng là mình sẽ có cơ hội quay một bộ phim James Bond. Nhưng rốt cuộc người được chọn lại là đạo diễn Sam Mendes, và sau thành công của Skyfall, ông cũng là người sẽ thực hiện tập kế tiếp là bộ phim James Bond thứ 24. Đạo diễn Matthew Vaughn thất vọng chán nản, anh nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ có cơ hội bấm máy quay phim gián điệp. Cho đến cái ngày anh đọc được quyển truyện tranh của hai tác giả Mark Millar và Dave Gibbons, mà anh đã có dịp hợp tác. Matthew Vaughn tham gia vào khâu viết kịch bản, thêu dệt thêm những tình huống khôi hài nhưng vẫn không giảm nhẹ tính gay cấn và trọng lượng của các pha hành động.

Bộ phim Kingsman vay mượn rất nhiều từ dòng phim điệp viên, từ hình thức cho tới cung cách. Cách dựng truyện từ một thanh niên hơi ngốc ngếch thành một sát thủ phi thường có nét gần giống với bộ phim Wanted với Angelina Jolie và James McAvoy trong vai, có biệt tài bắn đạn hình vòng cung, bất kể chướng ngại vật vẫn bắn trúng đối thủ. Kingsman không có ý tưởng nghiêm túc như James Bond mà lại thiên về trường phái xưa, phong cách cũ (Old School) của các ‘‘điệp viên hóm hỉnh’’ theo kiểu hai seri truyền hình của Anh là The New Avengers với hai nhân vật Emma Peel và John Steed, và nhất là The Persuaders với hai diễn viên gạo cội là Tony Curtis và Roger Moore.

Phim Kingsman dùng một ngôn ngữ hình ảnh quen thuộc để nhại lại phim ‘‘gián điệp viên thứ thiệt’’ với những vũ khí (gadget) cực kỳ tối tân hiện đại, đôi khi rất nhỏ mà lại hiệu quả tinh vi : một cây bút có tẩm thuốc độc, máy bật lửa cài chất nổ cực mạnh, bộ âu phục may đo sát người mà lại bền hơn cả áo giáp khi phải chống đạn … Khi khai thác các tình tiết khôi hài, những lời thoại đầy ẩn ngữ, nói một ý hiểu nhiều chiều, đạo diễn Matthew Vaughn thổi một luồng dưỡng khí nhẹ nhàng sinh động, không phải là những tiếng cười to mà là nụ cười lung linh trong ánh mắt, những người đàn ông hào hao phong nhã của hiệu may Kingsman, quý phái vương giả nhưng chỉ tuân thủ sứ mệnh nữ hoàng.