post

COP21: đề nghị mục tiêu 1,5°C

COP21-SenegalCOP21: Liên minh các nước đang phát triển đề nghị mục tiêu 1,5°C

Tú Anh RFI

Đăng ngày 01-12-2015

Hội nghị Khí hậu Liên Hiệp Quốc bước sang ngày thứ hai tại Le Bourget, ngoại ô Paris. Sau diễn văn của các nguyên thủ, đại diện 195 nước bắt đầu đàm phán một thỏa thuân chung với mục tiêu giới hạn nhiệt độ địa cầu không tăng quá 2°C từ nay đến cuối thế kỷ. Tuy nhiên, liên minh 20 nước nghèo đa số ở Châu Á, Châu Phi và Thái Bình Dương, gọi tắt là V20, yêu cầu giới hạn ở 1,5°C.

Theo Reuter, nhóm V20 trong đó có Việt Nam, Philippines, Ethiopia, Kenya, Costa Rica và các đảo quốc như Tavalu, Vanuatu… là những nước tự xem là chịu tác động nhiều nhất của hiện tượng biến đổi khí hậu.

Ngày hôm qua (01/12/2015), sau diễn văn khai mạc, nhóm V20 đòi phải đưa vào văn kiện đàm phán các yêu sách của họ với mục tiêu cụ thể : Sản xuất 100% năng lượng tái tạo và chấm dứt thời kỳ sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong nền kinh tế thế giới từ nay đến năm 2050. Tỷ lệ khí thải gây hiệu ứng nhà kính (GES) phải hạ xuống đến mức số 0, theo như thông cáo chung của V20.

Đối với các nước nghèo thường xuyên đối đầu với thiên tai và mực nước biển xâm thực có nguy cơ bị xóa tên, thì mục tiêu giới hạn nhiệt độ ở 2°C là không đủ. V20 thẩm định cần được quốc tế trợ giúp 20 tỷ đôla từ nay đến năm 2020 để đối phó với thiên tai.

Mục tiêu 1,5°C của V20 không chắc sẽ được lắng nghe.

Theo các tổ chức phi chính phủ, mục tiêu 2°C cho dù đã được các nguyên thủ quốc gia ủng hộ nhưng phải chờ xem « thực tế sẽ như thế nào ».

Trong văn kiện làm cơ sở thương thuyết dầy 50 trang có chia rõ thành từng chương ấn định mục tiêu lâu dài như giảm khí thải CO2, tài trợ các nước nghèo, cơ chế kiểm soát cam kết của các nước giàu. Tuy nhiên, mức độ lệ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch (than đá, dầu khí..), trình độ phát triển của quốc gia tác động đến lập trường của phái đoàn thương thuyết.

Các đảo quốc đang ở trong tình trạng « nguy ngập » đòi hỏi các biện pháp mạnh và khẩn cấp trong khi các vương quốc dầu hỏa hay những nước có trữ lượng than đá dồi dào khó mà chấp nhận những nhượng bộ bất lợi cho mình.