post

An American in Paris, thiết hài cưỡi gió (RFI)

An American in Paris, thiết hài cưỡi gió   Nhà hát Châtelet lần đầu tiên phóng tác phim An American in Paris thành ca vũ kịch - Sylvain Gripoix

An American in Paris, thiết hài cưỡi gió
Nhà hát Châtelet lần đầu tiên phóng tác phim An American in Paris thành ca vũ kịch – Sylvain Gripoix

Tuấn Thảo RFI

– Lần đầu tiên, một bộ phim 100% Mỹ được dựng thành kịch múa trên sân khấu Paris. Từ cuối tháng 11 năm 2014 cho đến đầu tháng Giêng 2015, nhà hát Châtelet ở trung tâm Paris giới thiệu 40 suất diễn vở ca vũ kịch ‘’An American in Paris’’ Một người Mỹ ở Paris, chuyển thể từ bộ phim nổi tiếng cùng tên từng đoạt 6 giải Oscar của đạo diễn Vincente Minnelli.

Thông thường, một vở ca nhạc kịch sau khi ăn khách trên sân khấu Broadway, mới được chuyển thể và dựng lại trên màn ảnh lớn để được phổ biến rộng rãi hơn và qua đó chinh phục thêm nhiều tầng lớp khán giả. Đó là trường hợp tiêu biểu của các vở nhạc kịch như West Side Story, My Fair Lady hay là The King and I … Trường hợp của ‘’An American in Paris’’ hoàn toàn trái ngược với thông lệ, vì tác phẩm này ban đầu thành công rực rỡ trên màn ảnh lớn và mãi đến hơn 60 năm sau mới được dàn dựng lần đầu tiên trên sân khấu nhạc kịch.   

(nghe tại http://vi.rfi.fr/)

      An_AMERICAN_in_PARIS_2014_TUAN_THAO.mp3

Vở ca vũ kịch ‘’An American in Paris’’ Một người Mỹ ở Paris ra đời theo đề xướng của ông Jean-Luc Choplin, giám đốc điều hành Nhà hát Châtelet hợp tác với hai nhà sản xuất của làng kịch Broadway là Van Kaplan và Stuart Oken. Cả ba nhân vật này đã có sáng kiến chuyển thể tác phẩm điện ảnh thành nhạc kịch và nhất là huy động quyên góp vốn tài trợ lên tới 10 triệu euro để đầu tư vào tác phẩm này. Có thể nói là kinh phí thực hiện vở nhạc kịch tương đương với phí tổn thực hiện một bộ phim tại châu Âu.

Thành phần đạo diễn và diễn viên hoàn toàn là 100% Anh Mỹ, tập hợp nhà biên đạo múa người Anh Christopher Wheeldon, cô Leanne Cope là diễn viên chsinh của đoàn múa Luân Đôn, còn anh Robert Fairchild là ngôi sao hàng đầu của đoàn múa New York City Ballet. Đổi lại phần sản xuất trang phục, dàn dựng hoạt cảnh, thiết kế ánh sáng, video và nhạc cụ, đều là do phía Pháp tài trợ … Theo lời ông Jean-Luc Choplin, giám đốc Nhà hát Châtelet, sau đợt trình diễn tại thủ đô Pháp, đoàn diễn viên vở kịch Một người Mỹ ở Paris sẽ bắt đầu vòng lưu diễn các nước châu Âu và Bắc Mỹ kể từ tháng Ba năm 2015.

Ông Jean-Luc Choplin : Một người Mỹ ở Paris, một bộ phim từng đoạt 6 giải Oscar nhưng chưa bao giờ được chuyển thể, phóng tác thành một vở nhạc kịch cho sân khấu Broadway. Điều này khá là bất ngờ và đối với một giám đốc nhà hát, thì lại càng đáng ngạc nhiên. Khó thể nào ngờ rằng Bộ phim Một người Mỹ ở Paris lại càng quan trọng hơn nữa do nó hoàn toàn dựa trên bản thảo nguyên gốc của tác giả Gershwin, phần biên đạo múa phần lớn là do ngôi sao Gene Kelly sáng chế.

Lúc đầu khi chúng tôi có ý định chuyển thể bộ phim này sang nhạc kịch, chúng tôi nghĩ rằng sân khấu Broadway đã bỏ sót tác phẩm này do gặp trở ngại về tác quyền. Thực tế không phải vậy, vì khi chúng tôi ngỏ ý với những người thừa hưởng các bản quyền của Gershwin, thì chúng tôi được nhận lời ngay. Do vậy, chúng tôi bắt tay thực hiện ngay và quyết định chọn Paris làm địa điểm ra mắt khán giả đầu tiên, công diễn vở ca nhạc kịch này trước khi đưa tác phẩm này đi lưu diễn tại nhiều quốc gia trên thế giới.

‘’An American in Paris’’ Một người Mỹ ở Paris là tựa đề nguyên tác của một tổ khúc giao hưởng do tác giả George Gershwin viết vào năm 1928. Bốn năm trước đó, ông đã thành công rực rỡ với tác phẩm Rhapsody in Blue. Để nâng cao tay nghề ông sang Paris ba tháng tầm sư học đạo, trao dồi sáng tác với nhạc sư Nadia Boulanger. Chính trong giai đoạn này ông gặp mặt các nhạc sĩ nổi tiếng ở Paris thời bấy giờ.

Ngoài nhạc sĩ Maurice Ravel, còn có các tác giả như Stravinsky, Poulenc, Milhaud … Đến khi về Mỹ, Gershwin gợi hứng từ các cuộc gặp gỡ này để chấp bút sáng tác ‘’Một người Mỹ ở Paris’’ được giới phê bình thời ấy xem như là một tuyệt tác không kém gì bậc thầy là Claude Debussy với Khúc dạo đầu Giấc nghỉ trưa của thần Điền dã (Prélude à l’après-midi d’une faune – 1894). Về điểm này, nhà biên đạo múa người Anh Christopher Wheeldon nhận xét :

Nhà biên đạo múa Christopher Wheeldon : Tất cả các điệu vũ viết cho vở ca nhạc kịch đều lấy cảm hứng trực tiếp từ dòng nhạc của Gershwin. Dòng nhạc Gershwin không chỉ mang đậm phong cách của nhạc jazz Hoa Kỳ, mà còn hấp thụ ảnh hưởng của nhiều nhà soạn nhạc cổ điển nổi tiếng từ đầu thế kỷ XX, trong đó phải nhắc đến ảnh hưởng của tác giả người Pháp Maurice Ravel, mà Gershwin đã nhiều lần gặp mặt nhân chuyến đi thăm Paris của ông vào năm 1928. Nhưng bên cạnh đó còn có ảnh hưởng của các tác giả khác như Debussy và Stravinsky mà Gershwin hằng ngưỡng mộ.

Từ những quan hệ giao lưu trao đổi với các nghệ sĩ thuộc bậc đàn anh hay cùng thời, Gershwin đã nâng lối sáng tác của mình lên một tầm cao hơn, phong phú dồi dào trong hợp âm, phức hợp sắc màu trong giai điệu … nhưng nét độc đáo của Gershwin nằm ở trong nhịp điệu : gợi hứng từ nhạc jazz, ông soạn ra những nhịp điệu tượng thanh biểu cảm, đánh vào trí tưởng tượng của người nghe. Tất cả những yếu tố đó giúp cho Gershwin trở thành một trong những gương mặt tài ba nhất của làng nhạc Mỹ, nắm bắt được các nét qúy phái tinh túy của cả hai lãnh vực giao hưởng cổ điển và nhạc jazz Hoa Kỳ.

Khi có ý định chuyển thể từ phim sang nhạc kịch, giới sản xuất đã cố gắng giữ nguyên cốt truyện của tác phẩm điện ảnh Một người Mỹ ở Paris ‘’An American in Paris’’. Bộ phim kể lại câu chuyện của Jerry Mulligan (do Gene Kelly thủ vai), một người Mỹ, sau khi giải ngũ, đến Paris lập nghiệp sinh sống, và nuôi mộng trở thành một họa sĩ nổi tiếng. Một ngày kia, Jerry tình cờ gặp một cô gái người Pháp tên là Lise Bouvier trong một quán ăn.

Jerry ngã lòng yêu thương say đắm cô gái. Lise cũng thầm yêu trộm nhớ Jerry, nhưng Lise đã đính hôn vì mắc nợ với anh Henri, một ca sĩ người Pháp đã từng cưu mang và giúp đỡ gia đình cô trong thời Đệ nhị Thế chiến … Mối tình tay ba này mang nhiều nỗi niềm uẩn khúc, được thăng hoa trên màn ảnh lớn khi biến thành một giấc mộng ban ngày bất tận, trong đó Jerry và Lise được sống bên nhau hạnh phúc, tận hưởng tình yêu đắm say vũ khúc bất tận giữa lòng thủ đô ánh sáng.

Khi được cho ra mắt khán giả vào cuối năm 1951, Một người Mỹ ở Paris ‘’An American in Paris’’ đã thành công lớn trên màn bạc. Nhân kỳ trao giải Oscar vào cuối tháng Hai năm 1952, bộ phim này đã đoạt 6 giải Oscar, trong đó có các giải quan trọng dành cho bộ phim hay nhất, cũng như kịch bản nguyên tác và chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc … Lần này khi được viết lại cho sân khấu nhạc kịch, các nhà sản xuất chủ yếu biên đạo lại ngôn ngữ múa sao cho hợp với cách biểu diễn đạt. Cô Leanne Cope, nữ diẽn viên chính của đoàn múa nhận xét :

Leanne Cope : Trong vở ca nhạc kịch này, nhân vật Lise Bouvier là một cô gái người Pháp. Trong suốt một năm tôi đã tập luyện giọng đọc để có thể phát âm lời thoại theo cách nói của người Pháp. Cứ mỗi buổi tối, trước khi đi ngủ, tôi cố gắng nghe các bài phỏng vấn tiếng Anh của các diễn viên điện ảnh người Pháp như Marion Cotillard hay là Audrey Tautou. Tôi nghe đi nghe lại để làm quen với cách phát âm tiếng Anh của một người Pháp, để cho giọng đọc ấy ăn sâu vào tiềm thức của mình. Về phần biên đạo múa, tôi nhận thấy là vai nữ chính đã có thêm trọng lượng và được nâng lên ngang tầm với vai nam chính, giúp cho nhân vật Lise Bouvier có thêm chiều sâu và bề dày. Tôi mong rằng tôi đã đạt được trình độ diễn xuất trong những đêm diễn đầu tiên, ra mắt vở ca nhạc kịch này với công chúng Pháp tại Paris …

Trọng trách biên đạo lại các phần múa của vở kịch Một người Mỹ ở Paris ‘’An American in Paris’’ được trao cho Christopher Wheeldon. Tốt nghiệp trường Royal Ballet School ở Luân Đôn, nhà biên đạo múa này đã tìm cách rủ bỏ lớp bụi thời gian bằng cách dung hoà hai ngôn ngữ múa hiện đại và ballet cổ điển. Christopher Wheeldon thừa nhận là anh chọn hình thức múa thanh thoát bay bổng, các động tác múa thông thoáng trong những không gian mở rộng để tránh lặp lại những gì bậc thầy đã làm.

Bởi vì dù muốn hay không, tác phẩm An American in Paris có nổi bật trên màn ảnh lớn là nhờ vào tài năng diễn xuất và biên đạo múa trước đó của Gene Kelly. Tài soạn nhạc của Gershwin vốn đã tuyệt vời, giúp cho Một người Mỹ ở Paris tự nó đứng vững như một tác phẩm thực thụ. Lối biên đạo múa của Gene Kelly định hình cho một lối kể chuyện giống như tiểu thuyết có đầu có đuôi, với những nút thắt và nút mở để cho câu chuyện mối tình tay ba có thêm được những tình tiết éo le.

Lúc sinh tiền, tài năng múa của Gene Kelly là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tác phẩm, một thứ keo sơn gắn chặt các khúc nhạc lại với nhau thành một bộ phim liền mạch, không bị đứt đoạn. Sở trường của Gene Kelly là múa ballet kết hợp với thiết hài (tap dance), ông thường dùng gót giầy sắt gõ phách nhịp làm điểm nhấn cho các điệu nhảy.

Tác phẩm An American in Paris khi được công chiếu lần đầu tiên cách đây 60 năm đã trở nên để đời nhờ màn múa kéo dài gần 18 phút trong phần cuối bộ phim. Cùng với cách dựng phim của đạo diễn Vincente Minnelli, diễn viên kiêm biên đạo múa Gene Kelly đã tìm cách nâng các màn múa lên một tầm cỡ mới : múa không chỉ là những đoạn chuyển tiếp trong phim ca nhạc mà còn có thể thay thế cho lời thoại, góp phần thể hiện nội tâm và suy ngẫm của nhân vật. Do vậy mà tác phẩm này đã để lại dấu ấn đáng kể trong lịch sử phim ảnh.

60 năm sau, đến phiên Christopher Wheeldon thực hiện một phiên bản khác cho tác phẩm Một người Mỹ ở Paris. Nhà biên đạo múa người Anh ít còn dùng các điệu múa thiết hài và thay vào đó là những động tác múa hiện đại, một cách để cho Christopher Wheeldon thoát khỏi cái bóng đại thụ của ngôi sao màn bạc Gene Kelly, người mà sinh thời có đôi gót vàng, chân mang thiết hài mà tựa như cưỡi gió.