post

2008 – Paris tôn vinh tác giả Gainsbourg (1928-1991)

gainsbourg-sergeTuấn Thảo

Bài đăng ngày 31/10/2008

Nằm ở quận 19 Paris, Cité de la Musique là một không gian văn hóa, gọi là dành riêng cho âm nhạc, nhưng lại kết hợp nhiều hình thức nghệ thuật : phòng triển lãm, sân khấu biểu diễn, thư viện sách, tư liệu lưu trữ. Cuộc triển lãm về Gainsbourg đi kèm với chương trình chiếu phim và hòa nhạc.

Cuộc triển lãm tập hợp hàng trăm vật trưng bày khác nhau. Trong đó có các tập bản thảo và các quyển sổ tay, nơi mà tác giả thường ghi chép ca từ, lời hát. Về giai điệu, thì có các bản dàn bè đàn dương cầm. Nhiều chỗ gạch xóa cho thấy sinh thời Gainsbourg là một tác giả cầu toàn, trau chuốt từng nốt nhạc như thể bàn tay thợ kim hoàn mài giũa một viên ngọc. Ngoài ra còn có các bức phác họa, vài tấm tranh sơn dầu vì trước khi nổi danh nhờ tài soạn nhạc, ông từng đeo đuổi ngành hội họa.

Nhưng độc đáo hơn cả, là cách dàn dựng âm thanh và hình ảnh. Bước vào phòng trưng bày, khách đi xem triển lãm sẽ thấy nhiều cây cột vuông vức,  cao hơn 3 thước và có gắn đầy những màn ảnh phẳng. Mỗi màn ảnh cho chiếu liên tục hàng loạt phim vidéo. Tính tổng cộng có hơn 400 vidéo ca nhạc và phim tư liệu truyền hình, từ các bài phỏng vấn cho đến các màn biểu diễn trên tivi. Khán giả có thể xem theo trình tự thời gian hay chọn xem các đoạn phim tùy theo sở thích cá nhân. Phòng bên cạnh cho trưng bày hơn 300 bìa đĩa hát của gần 50 nghệ sĩ tên tuổi từng hát nhạc của ông. Song song với triễn lãm còn có chương trình chiếu phim và hòa nhạc.

Trung tâm Cité de la Musique ở Paris quận 19 (cite-musique.fr)

Trung tâm Cité de la Musique ở Paris quận 19 (cite-musique.fr)

Sinh năm 1928, mất năm 1991, ông tên thật là Lucien Ginsburg, xuất thân từ một gia đình nhạc sĩ người Nga di cư sang Pháp. Thời còn nhỏ ông học nhạc cổ điển với thân phụ, và học vẽ với hai bậc thầy là Fernand Léger và André Lhote, thuộc trường phái lập thể (cubisme), chuyên thể hiện ý tưởng, chủ đề tác phẩm bằng những khối hình học đơn giản. Trong trường hợp của danh họa Fernand Léger, các bức tranh của ông còn được gọi là “ống thể” (tubisme), vì được vẽ theo hình ống, có đường nét cong tròn, thay vì thẳng dọc, vuông vức.

Sau 17 năm đeo đuổi con đường hội họa, Gainsbourg vào năm 30 tuổi đành phải từ bỏ ngành này, chuyển hẳn sang nghề soạn nhạc, chủ yếu là viết ca khúc theo đơn đặt hàng, chơi đàn trong các quán nhạc để kiếm sống. Trong cuộc triển lãm, có một đoạn phỏng vấn tác giả về đam mê đầu đời của ông. Trả lời câu hỏi vì sao ông không tiếp tục vẽ tranh một khi đã thành danh trong làng nhạc, tác giả Gainsbourg cho biết là dù có đeo đuổi cách mấy thì rốt cuộc ông vẫn hoài công, và cho dù có sống thêm thêm vài kiếp nữa, ông sẽ chẳng bao giờ có đủ tài năng hớp hồn, sức mê hoặc kỳ bí như danh họa Francis Bacon. Chính cũng vì thế mà Gainsbourg đã phá hủy hầu hết các tấm tranh của mình. Chỉ còn lại một bức chân dung tự vẽ, vài tấm tranh sơn dầu và các bức phác họa bằng than hay bằng bút chì.   

Bức chân dung tự vẽ và bức phác họa Charlotte, con gái của tác giả

Bức chân dung tự vẽ và bức phác họa Charlotte, con gái của tác giả

Tác giả Gainsbourg bắt đầu nổi tiếng trong làng nhạc Pháp vào năm 1958, nhờ bài hát Le Poinçonneur des Lilas, nói về giấc mơ đổi đời của một nhân viên soát vé trong hệ thống xe điện ngầm metro. Từ đó trở đi, ông gầy dựng cơ ngơi từng bước một. Sự nghiệp của ông trải dài trên ba thập niên, gồm khoảng 300 ca khúc, ghi âm gần 60 album cho mình và cho nhiều người khác.

Để phản ánh sự nghiệp của tác giả qua cách bài trí sắp đặt, không gian triển lãm được chia thành 4 giai đoạn. Những năm tháng đầu đời cho thấy quá trình tầm sư học đạo của ông. Giai đọan thứ hai là Thập niên của các danh ca : thời kỳ mà Gainsbourg sáng tác nhiều cho các thần tượng nhạc trẻ những năm 60, tiêu biểu qua hai giọng ca Françoise Hardy và France Gall. Kế đến có Thời kỳ huy hoàng : tài năng của Gainsbourg hoàn toàn được công nhận. Ngoài việc soạn nhạc, ông còn tham gia vào các dự án làm phim, dù đây không phải là sở trường. Trong số 7 tác phẩm ông từng thực hiện, bộ phim Je t’aime Moi non plus (tạm dịch Yêu nhau nhiều cắn nhau đau) được xem là khá táo bạo và đầy tính thử nghiệm.

Serge Gainsbourg và Jane Birkin

Serge Gainsbourg và Jane Birkin

Giai đoạn cuối cùng, Gainsbourg cộng tác với hàng loạt tên tuổi, phát huy phong cách talk over, hát thì thầm khe khẻ như thể lồng tiếng nói trên nền nhạc. Nơi các diễn viên, ca sĩ không có chất giọng khỏe khoắn, Gainsbourg biến sở đoản thành sở trường. Đối với ông, nhấn mạnh trên những khuyết điểm trong lối thể hiện và diễn đạt cũng là một hình thức phá cách, đập vỡ khuôn thước.

Trong sáng tác, từ một người “lính đánh thuê”, ban đầu viết mướn cho người khác, Gainsbourg sau đó trở thành một tác giả đa tài. Nhưng người có nhiều tài cũng hay có nhiều tật. Tướng mạo thiếu trau chuốt, tính khí thất thường, phong cách gàn bướng, ăn nói ngỗ nghịch, hành động khiêu khích. Dường như đó cũng là hình ảnh mà tác giả muốn cho thấy khi ông xuất hiện trước công chúng. Qua tư liệu của gia đình, ông lại là một người khá cân nhắc, kỷ lưỡng và ít cẩu thả trong đời tư.

Sau khi mối tình đổ vỡ, thần tượng Brigitte Bardot đã tìm cách cấm Gainsbourg phát hành nhạc phẩm "Je t'aime, moi non plus"

Sau khi mối tình đổ vỡ, thần tượng Brigitte Bardot đã tìm cách cấm Gainsbourg phát hành nhạc phẩm “Je t’aime, moi non plus”

Giới hâm mộ Gainsbourg đến xem triển lãm khám phá một góc nhìn khác về nhân vật. Ông không bảnh trai nhưng lại rất đào hoa đa tình. Những mối tình trắc trở đầy sóng gió, trong đó có chuyện tình với thần tượng điện ảnh Brigitte Bardot, người mẫu thời trang Nico, diễn viên Ingrid Caven, và Jane Birkin người bạn đời của ông trong vòng nhiều năm.

Nhưng cũng nhờ vậy mà cảm xúc được thăng hoa trong sáng tác. Nhạc phẩm Initials B.B, chữ viết tắt của Brigitte Bardot trở thành một tên gọi rất quen thuộc. Ca khúc Je t’aime moi non plus được viết như một lời chia tay với ngôi sao màn bạc Pháp chứ không phải là cho Jane Birkin. Lời bài hát Comment te dire adieu (Sao đành vĩnh biệt) viết cho Françoise Hardy nhưng lại nhắn nhủ một người tình cũ.

Về mặt sáng tác, ông nổi tiếng nhờ cách sử dụng nhiều danh từ riêng, dùng tiếng nước ngoài, sáng chế chữ mới để làm giàu vần điệu. Ông có lối chơi chữ tài tình, ngộ nghĩnh và đầy tính đột phá sáng tạo. Giai thoại kể rằng để diễn tả một cuộc sống xa hoa, ông muốn dùng tên của một nhãn hiệu xe hơi đắt tiền. Ông gửi thư đến công ty sản xuất và xin danh sách của tất cả các kiểu xe hơi. Trong hơn 200 kiểu xe thịnh hành có tên trên danh sách này, ông chọn ra một danh hiệu duy nhất là Silver Ghost để đặt cho ca từ.

Gainsbourg còn sử dụng nhiều hình ảnh trong lời hát. Cách sắp đặt, cắt dán, lắp ghép những ca từ mà thoạt nhìn không ăn nhập gì với nhau tạo ra nhiều hình tượng kỳ quặc, khác lạ. Vô tình hay cố ý, tác giả kết hợp ý tưởng như một họa sĩ vẽ tranh lập thể, góc nhìn không cố định, không  phải chỉ có một chiều mà lại đuợc quan sát dưới nhiều khía cạnh cùng một lúc.

Do vậy, có ý kiến cho rằng : những gì Gainsbourg không đạt được trong hội họa, lại được đem vào thử nghiệm trong âm nhạc. Đối với tác giả này, sáng tác ca khúc chỉ là một nghệ thuật thứ yếu (art mineur), một cách để tự an ủi mình, để che khuất chứ không thể đền bù cho những hoài bão chưa được thỏa nguyện trong đời.