post

Pháp: Thuốc động kinh, bị nghi gây dị tật thai nhi

thuoc-phap-d

Minh Anh RFI.fr – Đề tài trang nhất các báo Pháp ngày hôm nay 11/08/2016, khá dàn trải đi từ kinh tế, chính trị, xã hội cho đến sức khỏe. Đáng chú ý là vụ tai tiếng Depakine, thuốc được dùng để điều trị chứng động kinh. Theo tiết lộ của báo châm biếm Le Canard Enchaine, bộ Y tế Pháp dường như đã che giấu về tác dụng phụ của loại thuốc này, bị nghi ngờ gây ra hiện tượng dị tật ở bào thai.

Trang nhất hai nhật báo Les Echos và La Croix, lần lượt chạy tít lớn : « Depakine : một vụ tai tiếng sức khỏe công đang được vạch ra » và « Depakine, công tác giám sát y tế bị cáo buộc ». Theo tiết lộ của tuần báo châm biếm, bộ Y tế Pháp có lẽ đã nhận được kết quả một nghiên cứu từ tháng 7/2016, nhưng đã « che giấu kỹ lưỡng thông tin với các gia đình ».

Nghiên cứu này do Cơ quan Bảo hiểm Sức khỏe và Cơ quan An toàn Dược phẩm (ANSM) thực hiện. Theo tiết lộ của Le Canard Enchainé, nghiên cứu đưa ra một kết luận đáng quan ngại : 10.000 phụ nữ mang thai trong giai đoạn 2007-2014 đã được kê thuốc Depakine.

Loại thuốc này đã đưa vào thị trường từ năm 1967, có chứa chất sodium valproate, dùng để chữa chứng động kinh, một dạng bệnh thần kinh ảnh hưởng khoảng 500.000 người tại Pháp. Lúc đầu, loại thuốc này được giới chuyên khoa thần kinh đón nhận nhiệt tình, cho rằng « thuốc này có hiệu quả và dường như hợp với người bệnh hơn so với các loại thuốc chống động kinh khác », theo như giải thích của bác sĩ Elisabeth Elefant, thuộc bệnh viện Trousseau tại Paris.

Tuy nhiên, theo hai nhật báo, trong vòng ba thập niên 1960, 1970 và 1980, giới y khoa đã bắt đầu nhận thấy hiện tượng dị tật thai nhi ở những bà mẹ có dùng thuốc Depakine. Nhất là vào những năm 1980, các bác sĩ ghi nhận chất sodium valproate làm tăng rủi ro dị tật ở trẻ sơ sinh. « Nhưng phải đợi mãi đến những năm 2000, người ta mới thấy là loại thuốc này còn có thể kéo theo các chứng rối loạn thần kinh hành vi », như giải thích của bà Elefant.

Ngày nay, rủi ro này đã được đo lường một cách cụ thể. Theo nghiên cứu, chất sodium valproate có thể gây ra chứng dị tật thai nhi trong số 10% sản phụ nếu dùng trong quá trình mang thai. Và có đến từ 30%-40% trẻ sinh ra có triệu chứng chậm đi, chậm nói, rối loạn trí nhớ và khả năng nhận thức.

Nghiên cứu của các cơ quan chức năng y tế còn chỉ rõ những đứa trẻ này có rủi ro mắc chứng tự kỷ cao (gấp 5 lần so với bình thường). Còn theo Tổng cục thanh tra các vấn đề xã hội – Igas, người ta ước tính trong giai đoạn 2006-2014, có khoảng từ 425-450 trường hợp trẻ sơ sinh chết non hay phải sống với những dị tật bẩm sinh, do bị phơi nhiễm chất sodium valproate ngay từ trong bụng mẹ.

La Croix cho rằng tiết lộ của Le Canard Enchainé đang đặt ra một câu hỏi lớn : Tại sao ngần ấy bác sĩ đã không thông báo cho bệnh nhân của họ biết về những tác dụng phụ của thuốc chống động kinh, những rủi ro mà họ đã biết được từ những năm 1980 ?

Một chuỗi tai tiếng y tế

Đây không phải là vụ bê bối duy nhất về sức khỏe công tại Pháp. Trong vòng 7 năm, nước Pháp biết đến 4 vụ. Riêng trong năm nay, đây là vụ thứ hai liên tiếp. Nhật báo kinh tế Les Echos nhân vụ việc này điểm lại các đợt bê bối trước đây.

Năm 2009 xảy ra vụ Mediator, một loại thuốc giảm cân. Vụ việc nổ ra nhờ vào lời báo động của bác sĩ chuyên về bệnh viêm phổi, cô Irene Frachon, công tác tại một bệnh viện ở Brest. Loại thuốc này do hãng dược Servier bào chế, chuyên trị chứng tiểu đường hay còn được dùng để giảm cân.

Loại thuốc này bị cho là nguyên nhân gây ra cái chết của hơn 2.000 người, do các độc tính của thuốc gây hại cho các van tim. Tai tiếng nổ ra, Cơ quan giám sát về sức khỏe và Cơ quan An toàn Thuốc men mới đưa ra ánh sáng những xung đột lợi ích giữa các hãng dược và các cơ quan chức năng.

Bốn năm sau, năm 2013, nổ ra vụ PIP, một loại gel silicon rẻ gấp 7 lần được dùng để tạo ngực giả. Loại ngực giả dùng chất PIP này có thể bị rạn nứt và rất nguy hiểm cho người dùng. Ông Jean-Claude Mas, người đã đưa ra thị trường loại ngực giả trên đã bị kết án 4 năm tù giam vì tội dối trá bệnh nhân. Tuy nhiên, hàng chục ngàn mẫu đã được bán ra thị trường trên toàn thế giới. Theo các cơ quan chức năng, khoảng 18.000 phụ nữ đã phải cho rút túi ngực giả này.

Và mới đây nhất là vụ Biotrial, xảy ra ngày 17/01/2016. Vụ thử thuốc lâm sàng biến thành bi kịch. Anh Guillaume Molinet, 49 tuổi đã qua đời sau nhiều ngày hôn mê sâu. Anh đã tham gia vào việc thử nghiệm thuốc lâm sàng do hãng dược Biotrial sản xuất tại bệnh viện ở Rennes. Tổng cục thanh tra các vấn đề xã hội cáo buộc Biotrial đã tiếp tục thử thuốc ở bốn bệnh nhân tình nguyện khác bất chấp một trường hợp đã rơi vào hôn mê sâu và chậm trễ trong việc báo lên các cơ quan chức năng.

Cảnh giác

Trước những vụ tai tiếng liên tục trong lĩnh vực sức khỏe cộng đồng, bài xã luận của La Croix kêu gọi « cảnh giác ». Tờ báo cho rằng các cơ quan chức năng đã không biết rút ra các bài học kinh nghiệm từ những vụ việc tích lũy từ nhiều năm qua. Hồ sơ đau đớn về vụ Depakine này buộc các cơ quan chức năng giám sát dược phẩm phải suy ngẫm lại toàn diện sao cho có một sự điều phối và thông tin một cách tốt nhất về tất cả các bộ phận trong ngành y dược, từ khâu sản xuất cho đến việc kê toa, và cả khâu giám sát.

Một thách thức thật sự, vào lúc mà người này và người khác đang tìm cách tránh né trách nhiệm trước những đòi hỏi bồi thường từ các gia đình, những người đã chỉ trích giới y khoa đã không báo trước họ biết những rủi ro hiện hành.

Erdogan liên kết với Putin chống châu Âu

Báo chí Pháp tiếp tục theo dõi về mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ – Nga. Le Monde điểm lại chuyến công du Nga của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan với hàng tựa : « Cuộc tái ngộ mong manh giữa Erdogan và Putin ».

Trước hết, Le Monde nói đến những biểu tượng cho sự hòa giải giữa hai ông Vladimir Putin và Recep Erdogan, với cái bắt tay chấm dứt 8 tháng quan hệ căng thẳng giữa hai nước. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc đảo chính hụt hồi giữa tháng Bẩy và tại Matxcơva, ông Erdogan không ngớt lời cảm ơn sự ủng hộ của ông Putin.

Về phần Matxcơva, theo nhận định giới chuyên gia, sở dĩ ông Putin chấp nhận hòa giải với Ankar vì « nước Nga hoàn toàn ý thức được những rủi rõ của sự đối đầu với Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là ảnh hưởng của nước này tại vùng Kavkaz, Trung Á, … sẽ gây phức tạp cho chính sách của Nga ».

Tuy hai nước nối lại quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, nhưng theo báo Le Monde thì sự tái ngộ này vẫn mong manh vì cả hai nước vẫn có một bất đồng rõ nét trong một hồ sơ quan trọng : đó là Syria.

Ông Putin ủng hộ tổng thống Bachar Al Assad, còn ông Erdogan thì muốn nhân vật này phải ra đi. Matxcơva đã nhiều lần bày tỏ hy vọng Ankara sẽ có lập trường « mang tính xây dựng hơn », thế nhưng cho đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ không thay đổi. Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Le Monde ngày 07/08, ông Erdogan vẫn nhắc lại : Ankara không thể ủng hộ kẻ phải chịu trách nhiệm về cái chết của 600 ngàn người Syria.

Trump lại tiếp tục phát ngôn bừa bãi

Tình hình vận động tranh cử tại Hoa Kỳ cũng là chủ đề quốc tế chiếm nhiều trang báo Pháp. Le Monde trên trang nhất đưa tít lớn : « Trump chống Clinton quá đà khiến đảng Cộng Hòa lung lay ».

Tờ báo nhắc lại hôm thứ Ba 09/8 ông Donald Trump ngầm ý kêu gọi bạo dùng bạo lực chống bà Hillary Clinton. Ông lên án đối thủ đảng Dân Chủ muốn hủy bỏ Tu chính án số 2, cho phép người dân Hoa Kỳ được mang súng. Tranh cãi đã nổi lên.

Đài truyền hình CNN và phần đông giới truyền thông đặt nghi vấn : « Phải chăng ông Donald Trump ngầm kêu gọi ám sát bà Hillary Clinton ? ». Sự trượt đà này của ông Trump đã khiến cho nhiều thành viên đảng Cộng Hòa từ chối ủng hộ ông Trump khi cho rằng ứng viên của họ là « nguy hiểm ». Theo nhận xét của Les Echos, « Những lầm lẫn đó của ông Trump đang làm dấy lên nỗi ngờ vực việc duy trì chức ứng viên của ông ».

Pháp : Kỳ nghỉ phép không dành cho người nghèo

Về tình hình kinh tế nước Pháp, Le Figaro nhận thấy là « Ngành công nghiệp Pháp đang hỏng nặng ». Sản xuất công nghiệp tiếp tục sụt giảm trong tháng Sáu theo thống kê của Viện Thống kê Quốc gia Pháp Insee. Kể từ đợt khủng hoảng 2008, nước Pháp không thể nào đi lên lại được.

Về phần mình, Libération quan tâm đến sự rạn nứt trong lòng xã hội Pháp. Sự rạn nứt đó thể hiện rõ nét qua thú vui đi nghỉ người dân tại đây. Với hàng tít lớn « Sự rạn nứt trong các kỳ đi nghỉ », Libération cho hay nếu số người Pháp đi nghỉ phép tăng lên, duy chỉ có 1/3 số người nghèo là có cơ may này. Nhật báo kết luận các chuyến du lịch vẫn còn xa mới là một thành quả xã hội dành cho tất cả mọi người.

43 nhà khoa học kêu gọi bảo vệ Voi

Bảo vệ loài động vật sắp bị tuyệt chủng cũng là chủ đề lớn trên trang nhất của Le Figaro. Với tấm ảnh một chú voi lớn đang ve vẩy đôi tai, mục Khoa học của nhật báo đăng « lời kêu gọi bảo vệ loài voi của 43 nhà khoa học trên toàn thế giới ». Gần 60% loài động vật này đang bị đe dọa tuyệt chủng. Nếu không làm gì cả, « các nhà sinh học bảo tồn thiên nhiên sẽ sớm phải viết những lời chia buồn cho những loài thú này », tờ báo viết.

Le Figaro đã có dịp trao đổi với Guillaume Chapron, một trong những người ký lá thư ngỏ kêu gọi bảo vệ loài voi. Ông là nhà nghiên cứu về sinh thái học, trường đại học Khoa học Nông nghiệp tại Thụy Điển, và ông tỏ ra không mấy lạc quan.

Theo nhà khoa học, cứ mỗi 15 phút là có một con voi bị hạ gục. Ông Chapron chỉ trích cách điều hành của một số chính phủ, những quốc gia đang bị nạn tham nhũng hoành hành. Theo quan điểm của ông, « Cơ hội thành công tốt nhất để bảo tồn loài voi nằm ở Nam Phi. Giống như Namibia hay Botswana, đó những nơi ít bị tham nhũng và không dung thứ cho nạn săn bắn trộm ».

Depakine (valproate sodium) report for patients like you

www.patientslikeme.com/…/17679-depakine-side-effects-and-efficacy…
PatientsLikeMe

Depakine is an international brand name for valproate sodium, a derivative of valproic acid. It is used as an anticonvulsant to treat certain types of seizures, …

DEPAKINE : Chez l’adulte : soit en monothérapie, soit en association à un autre traitement antiépileptique:…

Save

Save