post

“L’été Indien” ban đầu được viết cho Joe Dassin ?

Một bài hát ban đầu được viết bằng tiếng Anh. Tác giả lại là một ca sĩ người Ý. Vào lúc được phát hành, bản nhạc không ăn khách cho lắm. Đến khi ca khúc này được chuyển ngữ sang tiếng Pháp và do ca sĩ người Mỹ Joe Dassin ghi âm, thì bản nhạc lại đi vòng quanh trái đất. Đó là giai thoại của tình khúc L’été Indien, ra đời vào mùa hè năm 1975, cách đây vừa đúng 40 năm.

Trong nguyên tác, bài L’été Indien có tựa đề là Africa, do ca sĩ kiêm tác giả người Ý Toto Cutugno sáng tác thời anh còn là thành viên sáng lập ban nhạc Albatros (Hải Âu). Bản nhạc này được ghi âm và biểu diễn lần đầu tiên nhân kỳ liên hoan ca nhạc thành phố San Remo vào hạ tuần tháng Hai thường niên.

Về nội dung, bản nhạc Africa nói về tình quê hương, mô tả tâm trạng cô độc lẻ loi của một người nhập cư đến từ châu Phi, vất vả kiếp tha hương, lưu lạc trên xứ người. Nhìn cuộc sống chật vật hối hả ở chốn thành thị, mà bỗng dưng nhân vật này chạnh lòng nhớ về cái thời còn ở quê nhà, mộc mạc mà chân phương, nghèo nhưng nhiều tình thương.

Gọi là ca khúc nhưng bản nhạc Africa thật ra có cấu trúc hơi khác thường, mở đầu bằng lời độc thoại viết bằng tiếng Anh và đến phần điệp khúc thì giai điệu lại không có đặt lời. Phải chăng cũng vì thế mà bản nhạc này không thành công khi được phát hành trên thị trường Ý.

Dù gì đi nữa, bản nhạc này tình cờ lọt và tai của hai tác giả người Pháp Pierre Delanoë & Claude Lemesle, chuyên sáng tác những bản nhạc ăn khách cho các nghệ sĩ hàng đầu những năm 1970 như Michel Sardou, Johnny Hallyday, Michel Fugain hay Gérard Lenorman …..

Nghe giai điệu quá hay, hai tác giả này mới đặt lại toàn bộ lời tiếng Pháp, kể cả phần độc thoại mở đầu và nhất là phần hát ở điệp khúc. Dĩ nhiên, ca khúc phóng tác không còn nói về tình hoài hương, mà là cảm xúc tình yêu, hiểu theo nghĩa tuyệt đối muôn đời. Tuy nhiên khi đặt thêm lời, hai tác giả này không nghĩ tới Joe Dassin mà lại dự định triệu mời ca sĩ số một làng nhạc Pháp thời bấy giờ là Claude François để ghi âm.

Nam danh ca Claude François nhận lời nhưng rốt cuộc đúng vào cái ngày hẹn gặp nhau để ghi âm, vì lý do đời tư Claude François lại không tới. Nửa bực mình vì không nghe một lời xin lỗi, nửa lo âu vì sợ mất tiền mướn phòng thâu, Pierre Delanoë mới gọi điện thoại mời Joe Dassin đến ghi âm thay thế.

Bản thân ca sĩ Joe Dassin lúc đó cũng không được thuyết phục cho lắm, vì theo anh cấu trúc bài hát hơi ‘’vô duyên’’, giai điệu điệp khúc nghe rất hay nhưng lời độc thoại dẫn nhập thì lại quá dài. Tuy nhiên, sự nghiệp của Joe Dassin đang xuống dốc, các album mà anh phát hành trong giai đoạn ba năm từ năm 1971 đến năm 1974, đều không ăn khách nhiều như mong đợi.

Đối với Joe Dassin, chẳng có gì để mất khi anh thâu thêm một ca khúc riêng lẻ (L’été Indien không nằm trong kế hoạch ghi âm trọn một tập nhạc, mà cũng chẳng bao giờ được phát hành trên album). Do được gọi vào giờ chót, và do nhóm sản xuất không muốn trả thêm giờ phụ trội tiền mướn studio, cho nên Joe Dassin chỉ thâu đi thâu lại có vài lần, chứ ít có như mọi khi …. mài dũa từng câu, trau chuốt từng chữ.

Bất ngờ thay, nhạc phẩm L’été Indien lại trở thành tình khúc thành công nhất trong suốt sự nghiệp của Joe Dassin, còn ăn khách hơn cả nhạc phẩm Si tu n’existais pas (cũng của tác giả người Ý Toto Cutugno) mà anh ghi âm gần một năm sau đó. Với hơn hai triệu bản bán chạy trong sáu tháng, bài L’été Indien phá kỷ lục do nhạc phẩm Le Sud của Nino Ferrer (1975) đang nắm giữ.

Ngoài việc phát hành tình khúc L’été Indien trong tiếng Pháp tại 25 quốc gia trên thế giới, Joe Dassin trở lại phòng thâu để ghi âm thêm bốn phiên bản tiếng Anh, Đức, Ý và Tây Ban Nha, nhờ vậy mà Joe Dassin đứng hạng đầu tại 15 nước, chinh phục thêm các quốc gia Đông Âu như Ba Lan, Tiệp Khắc và Liên Xô ….

Sự nghiệp của Joe Dassin khởi sắc trong lúc cuộc sống riêng tư lại lâm vào bế tắc. Vào đầu năm 1974, anh lâm chứng trầm cảm, tinh thần sa sút sau khi vợ anh sinh non, đứa con đầu lòng cũng không sống được lâu. Chán nản tuyệt vọng, anh dùng rượu giải sầu vùi đầu vào công việc. Hồi tưởng lại giai đoạn này, tác giả Pierre Delanoë từng nói rằng chưa bao giờ ông lại thấy Joe Dassin tuyệt vọng chán đời đến như vậy, nhưng khi bước vào phòng thâu, giọng ca của anh lại trở nên nhiệm mầu.

Một giọng ca mượt mà như nhung, với những vết gẫy trung trầm, bỗng dưng lại càng đục khàn trong phần độc thoại. Trong cách đọc, Joe Dassin có lối nhã chữ khá đặc biệt, cảm xúc dạt dào theo nhịp điệu dập dìu nhưng không bao giờ vỡ oà như thể con tim của người đàn ông muốn khóc, nhưng trí óc vẫn tự chủ tiết chế.

L’été Indien (Indian Summer) là một từ ngữ được nhà văn người Pháp gốc Mỹ J. Hector St-John de Crèvecoeur (tên thật là Michel Guillaume Jean de Crèvecoeur 1735-1813) giải thích qua ghi chú lần đầu tiên vào năm 1778. Theo đó, L’été Indien không phải là mùa hè mà là một thời khắc đặc biệt vào mùa thu ở Bắc Mỹ (thường là vào trung tuần tháng 10, có khi trễ hơn tới đầu tháng 11), khi tiết trời đang giá lạnh bỗng nhiên nóng trở lại.

Nắng thu muộn màng ấm áp, trời xanh bềnh bồng trên rừng phong lá vàng cam thụy, đổ sang huyết dụ tựa như màu da của sắc dân da đỏ, thời tiết bất thường báo hiệu cho những ngày đẹp trời cuối cùng trước khi thiên nhiên vùi mình trong giấc ngủ triền miên dai dẳng, mùa đông khắc nghiệt phủ tuyết đóng băng.

Qua hình tượng này, hai tác giả người Pháp muốn nói lên niềm hạnh phúc bất chợt của kiếp người, biết rằng trước sau gì cũng phải hứng chịu những mất mát thiệt thòi. Giọng ca của Joe Dassin khe khẻ niềm hạnh phúc, nhưng đó lại là niềm vui tiềm ẩn bao nỗi ngậm ngùi, một nụ cười u uất khi nhìn thấy tình yêu sắp khuất.

Có lẽ cũng vì thế mà 40 năm sau ngày ra đời, bản nhạc này từng được bình chọn là ca khúc yêu chuộng nhất của người Pháp nhân mùa lễ tình nhân Valentine, lời bài hát L’été Indien vẫn ăn tiền nhờ vào phần điệp khúc mộc mạc chân tình :

Em muốn đi nơi đâu
Đôi ta cùng tới đó
Đi bất cứ lúc nào
Chúng mình vẫn bên nhau

Hẹn thề muôn kiếp sau
Như buổi sáng ban đầu
Dù tình yêu có chết
Ta mãi còn yêu nhau