post

” Đầy tớ văn chương “, một nét đặc thù văn hóa Pháp

plume

Ảnh minh họa. Viết thuê, một nghề rất khấm khá ở Pháp.DR

“Thoát khỏi bóng tối

Cùng với thời gian, xã hội tiến bộ tạo thời điểm thuận lợi cho sự minh bạch. Vị thế người viết thuê cũng có những thay đổi theo. Những « đầy tớ văn chương » muốn thoát dần ra khỏi bóng tối, mạnh dạn lên tiếng đòi hỏi được công nhận. Cùng với những đòi hỏi đó, thuật ngữ « nègre littéraire », đôi khi vẫn bị phê phán là hơi phân biệt chủng tộc, từ từ được thay thế bằng những cụm từ lịch lãm hơn « prête-plume » (cho mượn ngòi bút), « écrivain fantôme » (nhà văn ma, dịch từ tiếng Anh « Ghostwriter »).”

      Tải nạp chương trình này .
MP3

Sách xuất bản ngày nay không nhất thiết phải là một nhà văn có tiếng đề bút. Một cựu minh tinh điện ảnh, một ngôi sao âm nhạc, một thần tượng thể thao hay một chính khách đáng kính đều có thể ra sách. Ta không khỏi tấm tắc: ” Tài thật, họ thật lắm tài, không những đóng phim hay, hát hay, chơi thể thao giỏi, điều hành đất nước tốt mà còn viết văn hay nữa“. Hay như “họ lấy đâu ra thời gian để mà viết sách trong khi đó bận trăm công nghìn việc?“.

Nếu nói bị lừa phỉnh cũng không sai, bởi tất cả những đầu sách đó tự bản thân tác giả không thể nào làm được. Họ phải nhờ đến một đội ngũ chuyên nghiệp mà giới văn đàn Pháp hay gọi là “nègre littéraire”. Nếu hiểu từng từ “nègre” có thể hiểu nôm na là “nô lệ“, “littéraire” là văn học. Thuật ngữ “Nègre littéraire” dùng để ám chỉ những nhà văn ẩn danh, chuyên viết thuê, viết mướn cho những “tác giả nổi tiếng”.

Nguồn gốc từ “nègre”

Giới văn đàn Pháp gọi họ là “nègre” hay nôm na là “đầy tớ” thật ra cũng đúng. Từ này có nguồn gốc latinh là “niger” có nghĩa là “màu đen”. Với ý nghĩa hoán dụ, từ “nègre” dùng để ám chỉ đến những người có nước da sẫm màu, người Châu Phi hạ Sahara. Nhưng từ thế kỷ XVI trở đi, nhất là vào đầu thế kỷ XVII, do có liên quan đến thân phận xã hội của các nô lệ trong Hiệp ước người da đen tại các quốc gia phương Tây, từ “nègre” dùng để nói đến một người làm việc trong các đồn điền, trong những điều kiện khắc nghiệt, nhưng không được tôn trọng các quyền cơ bản.

Trong ý nghĩa “bị khai thác” đó mà đến thế kỷ XVIII, từ “nègre” xâm nhập vào giới văn đàn Pháp. “Nègre littéraire” hay “đầy tớ văn chương” là những người cho « mượn ngòi bút », những người « lính đánh thuê » văn chương, thường là cho những nhân vật có tên tuổi. Cũng chính vì điều đó mà có nhiều đồn đãi liên quan đến nhiều đại văn hào Pháp cho rằng nhiều tác phẩm kinh điển không phải do chính tay họ viết nên. Những lời đồn mà cho đến giờ nhiều chuyên gia văn học đang cố tìm cách làm sáng tỏ.

Chẳng hạn như vào năm 1919, ông Pierre Louys đã làm chấn động giới văn đàn Pháp khi tuyên bố rằng Pierre Corneille, nhà soạn kịch nổi tiếng của Pháp mới chính là cha đẻ của một số tác phẩm hài kịch nổi tiếng của Molière. Khẳng định vẫn còn gây tranh cãi cho đến ngày nay. Tương tự như vậy cho nhà soạn kịch nổi tiếng của Anh quốc William Shakespear, bị nghi ngờ đã hợp tác với nhiều nhà soạn kịch khác.

Nhưng trường hợp nổi tiếng nhất là sự hợp tác giữa đại văn hào Alexandre Dumas cha với cộng tác viên của ông là Auguste Maquet, người viết thuê nổi tiếng nhất trong số những cộng tác của Alexandre Dumas. Sự hợp tác đó có tầm quan trọng trong những tác phẩm được xếp vào hàng kinh điển Ba chàng lính ngự lâm, Bá tước Monte-Cristo hay Hai mươi năm sau.

Điều cấm kỵ

Thời đại có thay đổi, nhưng cách làm đó vẫn còn tồn tại và có xu hướng không thể nào xóa bỏ được, thậm chí trở nên thiết yếu trong ngành xuất bản sách tại Pháp hiện nay, bất chấp có nhiều tranh luận diễn ra trong những thời gian gần đây.

Đối với nhiều tiếng nói chỉ trích, cách thực hành đó chẳng khác nào là một hành vi đạo đức giả: vì làm cho độc giả tin rằng những gì anh ta đọc được viết từ chính tay tác giả, người đứng tên ký đầu sách. Nếu cho chuyển lối làm đó vào trong lĩnh vực âm nhạc, điều đó nó còn tệ hơn cả chuyện hát nhép: bởi lẽ người ca sĩ chí ít một lần hát bản nhạc đó trong phòng ghi âm.

Do đó,với đội ngũ viết thuê, không có cách nào để biết được « ai viết gì ». Bởi vì đó là một bí mật mà những ai trong nghề đều biết từ nhiều thập niên nay. Anne-Sophie Demochy, ký giả tạp chí “Les magazines des livres”đã tiến hành nhiều cuộc điều tra về các nhà văn trong bóng tối tại Pháp cho hay không một nhà văn nào, một tác giả nào sẽ thú nhận đã thuê người viết sách, vì đó là một điều cấm kỵ.

Đương nhiên nhiều tác giả, nhiều tiểu thuyết gia hay chính khách đều có người để viết giúp, nhưng có điều cấm kỵ cần được tôn trọng. Chúng tôi không có quyền được nói ra điều đó. Trong hợp đồng quy định rõ chúng tôi phải giữ bí mật. Do đó, người viết sách thuê không có quyền được nói mình làm việc cho ai.

Nghề viết thuê làm giàu vốn sống

Theo Armelle Brusq, đạo diễn một bộ phim tư liệu “Les nègres, l’écriture en douce“, gần 1/3 số ấn bản tại Pháp có “cha đẻ không mấy rõ ràng“. Hơn nữa, nghề viết thuê hiện nay chủ yếu tập trung vào thể loại tiểu sử liên quan đến các nhân vật nổi tiếng như chính khách, vận động viên thể thao, ngôi sao âm nhạc… Một vài trường hợp hiếm hoi sách do người viết thuê biên soạn trở thành best-seller mà điển hình là quyển sách”Meri pour le moment” của bà Valérie Trierweller, cựu đệ nhất tình nhân Pháp. Sách do bà đứng tên bị nghi ngờ là viết chung với một người khác, một người được cho từng đoạt giải văn học Goncourt cao quý của Pháp.

Điều nghịch lý đối với những người chuyên viết thuê, họ thú nhận rất thích viết, thậm chí đó còn là một niềm đam mê nhưng trở thành nhà văn lại là một chuyện khác. Bởi vì theo họ, “Là nhà văn cũng có nghĩa là bạn sẽ bị chết đói, bạn trở nên điên điên dại dại và cuối cùng bạn sẽ đắm chìm trong rượu chè trên một gác xép nào đó”, theo như thổ lộ của một người viết thuê giấu tên. Đồng thời, họ cũng không thể gánh vác được áp lực của một nhà văn.

Người khác thì cho rằng làm nhà văn thực thụ không phải là sở trường của họ, nhưng nghề viết thuê hay làm “đầy tớ văn chương” giúp làm giàu thêm tính cách và cuộc sống họ trở nên phong phú hơn, theo như giải thích của ông Dan Frank, một trong những người viết sách thuê nổi tiếng của Pháp mà tác phẩm gần đây là viết cho danh thủ Zidane:

Hoặc họ (nhà xuất bản) đề nghị tôi viết về truyện trinh thám nhưng mà tôi đâu có biết viết về thể loại này, sách khiêu dâm thì tôi cũng không có nhu cầu, cuối cùng họ đề nghị viết thuê cho người khác. Thế thì tôi đồng ý bởi vì công việc này cho phép tôi có một thái độ hai mặt khá phong phú, ý ở đây tôi muốn nói là ban ngày tôi làm việc cho người khác và đêm đến tôi viết cho chính mình“.

Một công việc hái ra tiền

Nhưng với bất cứ lý do nào đi chăng nữa, tất cả đều có chung một câu trả lời: nhuận bút cao. Theo quy định mới , kể từ giờ công việc của một “cộng tác viên” ( theo như cách gọi mới hiện nay) bị giới hạn bằng hợp đồng thông qua nhà xuất bản. Theo đó ấn định mức thù lao, quy định số giờ làm và số trang viết. Nhìn chung, tùy theo đối tượng khách hàng mức thù lao dao động trong khoảng từ 5000-15000 euro, theo như giải thích của ông François Forestier:

Căn cứ theo phẩm chất của khách hàng và tầm quan trọng của số ấn bản, người viết được nhận từ 5000 cho đến 15.000 euro. Mọi thứ đều lệ thuộc vào tính chất công việc được giao. Nếu chỉ là công việc chỉnh sửa đôi chút, thì mức giá là 5000 euro. Còn nếu là viết hẳn hoàn toàn một cuốn sách giá thường là 15.000 euro “.

Tuy nhiên, theo ông Bernard Fixot, Tổng giám đốc nhà xuất bản XO, mức thù lao còn lệ thuộc vào mức độ nổi tiếng của tác giả (người thuê viết).

Tác quyền nằm trong khoảng từ 10-15% giá bán. Nhưng 10-15% đó được chia ra cho tác giả hay là người ký sách và người cộng tác. Trên nguyên tắc, nếu đó là một người rất nổi tiếng, tức là tác giả tự cho là người nổi tiếng và đã làm việc cần làm, trong trường hợp đó 2/3 của 15% đó thuộc về người ký và 1/3 cho cộng tác viên. Còn nếu như đó là người vô danh, căn cứ vào chất lượng sách bán ra, mức thù lao sẽ được chia đều 50-50“.

“Tác giả” và người viết: mối quan hệ tin tưởng tuyệt đối

Về phương pháp làm việc, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nhìn nhận một số tác phẩm có lẽ là một chiến lược quảng bá thật sự cho nhà xuất bản. Thậm chí các tác phẩm đó có thể là kết quả làm việc của cả một ê-kíp. Tác giả đưa ra một ý tưởng. Chính các nhân viên hãng sẽ phát triển ý tưởng đó thành một đề cương chi tiết. Tiếp đến, sơ đồ này được gởi đến cho một người chuyên viết thuê cho nhà xuất bản.

Cũng có những trường hợp, nhà xuất bản giới thiệu “tác giả” của ý tưởng đến trao đổi trực tiếp với người chuyên viết thuê của họ. Lúc này, điểm mấu chốt quan trọng là người viết thuê phải thiết lập được sự tin tưởng tuyệt đối ở “tác giả”.

François Forestier : ” Trong suốt khoảng thời gian với tác giả, tôi hoàn toàn trở nên rất quan trọng đối với ông ấy (người muốn viết sách). Giữa người muốn ra sách và người viết giúp phải có một sự tin tưởng tuyệt đối. Tác giả hầu như giao phó toàn bộ cuộc đời của mình vào tay người viết, trong các băng ghi âm. Trong suốt khoảng thời gian, một mối quan hệ phụ thuộc đã được hình thành. Lúc này tác giả hoàn toàn lệ thuộc vào người viết. Thời gian tối thiểu với tác giả ít nhất là phải khoảng một chục giờ, tối đa là khoảng 20_30 giờ. Như vậy là đủ cơ sở dữ liệu cho tác phẩm“.

Ông François Forestier còn cho biết thêm cái khó nhất trong kỹ thuật viết là phải tìm cho được một chủ đề: “Người đó muốn kể gì?”. Một quyển sách cần phải có một bố cục rõ ràng. “Tác giả” có ý tưởng nhưng lại không biết cách sắp xếp ý một cách cần thiết.

Hái ra tiền, nhưng cũng là nghề bạc bẽo

Đây rõ là một công việc đòi hỏi nhiều sự sáng tạo, người viết phải phát huy được ý tưởng ban đầu của người đề xuất. Tuy nhiên, theo ông chủ nhà sách Bernard Fixot, người muốn ra sách có phần nào đó hoang tưởng, tự biến mình thanh trung tâm của vũ trụ, do đó người được nhờ viết phải có một phẩm chất khác thường, vừa là người sáng tạo nhưng cũng phải là người hào phóng tuyệt đối. Anh ta phải chấp nhận ban tặng tài năng của mình cho người khác, mà quên đi chính bản thân mình như lời thuật của nhà văn Bernard Fillaire.

Ngay từ đầu người cộng tác phải quên bản thân mình, anh ta phải củng cố thêm “cái tôi” của người mà anh ta làm việc và phải luôn nói rằng: “Tôi chỉ là gì gì đó..” , “tôi chỉ là một thợ thủ công…”, “Tôi chỉ là người diễn tả lại những suy nghĩ của quý vị”. Mặt khác, sự hào phóng đó dẫn đến một hệ quả công việc càng được làm tốt bao nhiêu, càng về sau tác giả (người thuê viết) càng sở hữu quyển sách bấy nhiêu, đến mức tự tin rằng chính anh ta đã viết ra quyển sách ấy. Tôi đã viết khoảng hơn 50 đầu sách, nhưng tôi tin chắc là chưa lần nào được nhận một lời cảm ơn“.

Rõ ràng đó cũng là một nghề bạc bẽo. Thường thì phải sáng tác toàn bộ hay một phần tác phẩm nhưng những người viết thuê vẫn không được phép xuất đầu lộ diện, do những ràng buộc của hợp đồng, lúc nào cũng phải ở trong cái bóng của người khác. Và cũng chẳng bao giờ được nhận một cành quế nào, như trong trường hợp của ông Winston Churchill, người từng được nhận giải thưởng Nobel văn học cho bộ Hồi ức của ông. Bộ sách mà giờ đây ai cũng biết là một nhóm nhà sử học có tham gia một phần trong đó.

Biến tướng của nghề viết thuê

Ngày nay với công nghệ hiện đại, mạng Internet truy cập dễ dàng, nghề viết thuê không chỉ dừng ở giới văn đàn mà bắt đầu lấn sân sang các lĩnh vực khác học đường, nghiên cứu khoa học… Kênh 2 của Pháp trong một phóng sự ngắn có dịp phỏng vấn một người chuyên viết luận văn, luận án thuê. Theo kênh 2 thì đó gần như là một sự gian lận.: 3.500 euro cho một luận văn và 15.000 euro cho một luận án.

Nhân chứng giấu tên: “Tôi từng cho đó là cách để kiếm được một khoản tiền kha khá. Đó cũng chỉ là những công việc mà một sinh viên phải biết làm. Nhưng quả thật tôi cũng có chút áy náy. Trong một khoảng thời gian dài tôi tự hỏi làm thể nào có thể để công việc đó vào trong CV của tôi.

Một hiện trạng đáng ngại cho ngành giáo dục. Le Figaro trên trang mạng của mình cho biết tờ The Chronicle of Higher Education , một tạp chí Mỹ về giảng dạy sau đại học, có đăng một bài viết của một người chuyên viết thuê đưa ra ánh sáng những sai lệch trong lãnh vực giáo dục. Những kẻ hở tạo điều kiện cho các sinh viên gian lận trong các kỳ thi.

Tác giả, có biệt danh Ed Dante, vẻ phẫn nộ, đã gởi thẳng cho các giảng viên một thông điệp : “Tôi quá mệt mỏi vì phải giúp cho sinh viên các ngài làm ra vẻ có năng lực”. Trong số các khách hàng, có ba loại sinh viên ông cương quyết không hợp tác : những người có tiếng mẹ đẻ không phải là tiếng Anh, những người viết tồi, và những người ‘giàu có, biếng nhác’. Làm công việc này từ năm 2004, tác giả xác nhận kiếm được gần 66.000 dollars mỗi năm. Điều này cho thấy nghề viết thuê trong bóng tối vẫn là một thị trường béo bở.

Thoát khỏi bóng tối

Cùng với thời gian, xã hội tiến bộ tạo thời điểm thuận lợi cho sự minh bạch. Vị thế người viết thuê cũng có những thay đổi theo. Những « đầy tớ văn chương » muốn thoát dần ra khỏi bóng tối, mạnh dạn lên tiếng đòi hỏi được công nhận. Cùng với những đòi hỏi đó, thuật ngữ « nègre littéraire », đôi khi vẫn bị phê phán là hơi phân biệt chủng tộc, từ từ được thay thế bằng những cụm từ lịch lãm hơn « prête-plume » (cho mượn ngòi bút), « écrivain fantôme » (nhà văn ma, dịch từ tiếng Anh « Ghostwriter »).

Nhưng có lẽ hay nhất là từ « collaborateur » (cộng tác viên), theo như đề xuất của ông Bernard Fixot, chủ nhà xuất bản XO. Ông cũng là người đi tiên phong phá vỡ điều cấm kỵ, đã quyết định để dòng chữ « Với sự cộng tác của… » trên đầu trang sách. Nhận thấy là việc để tên người cộng tác cũng không ảnh hưởng đến lượng sách bán ra, nên nhiều nhà xuất bản chấp nhận luật chơi mới.

Tuy nhiên, luật chơi mới đó không phải cộng tác viên nào cũng chấp nhận. François Forestier cho biết quan điểm của ông : « Có nhiều người viết thuê muốn thấy tên mình xuất hiện ở cuối quyển sách, tôi không thích điều đó. Tôi muốn là sách của ông A thì phải là của ông A, đấy không phải là sách của tôi. Tôi có tác phẩm riêng của mình. Tôi ký bằng chính tên của mình. Đó là hai cuộc sống tách biệt. Đương nhiên, dưới cùng một ngòi bút, nhưng tôi không thích lẫn lộn hai sự việc với nhau ».


Xem thêm http://fr.wikipedia.org/wiki/Negre_litteraire

http://en.wikipedia.org/wiki/Ghostwriter