post

40 Năm Xa Xứ (Đèo Văn Sách – Hoa Thịnh Đốn)

40nam-xa-xu-300Chương trình Ca nhạc Những Tháng Ngày Không Quên:
40 Năm Xa Xứ
30/4/1975 – 30/4/2015

Bằng Lăng Hoa Tím Ngày Xưa – Đèo Văn Sách


Những Ngày Tháng Không Quên (1): https://youtu.be/3l5CCPeDo0k

Những Ngày Tháng Không Quên (2): https://youtu.be/kdPLOta48DY

Những Ngày Tháng Không Quên (3):

Huế Đến Với Tôi – Hiếu Thuận
Nhạc và Thơ Dương Đình Hưng

Tháng Tư Nghe Nhạc “ Những Tháng Ngày Không Quên ”
Bùi Xuân Cảnh

Tháng Tư Đen, buồn nẫu ruột. Chiến hữu, bạn bè, đứa còn đứa mất, đứa tù đứa tội, lòng dạ bồi hồi như chuyện tang thương mất nước chỉ mới xảy ra hôm qua.
Chợt nghe phone reo: ông bạn Nhạc sĩ Nguyễn Tuấn rủ đi nghe nhạc. Tháng Tư đi nghe nhạc! Thương nữ bất tri vong quốc hận; Cách giang do xướng Hậu Đình Hoa. Ca kỹ không hay hờn mất nước. Bên sông còn hát Hậu Đình Hoa. Có lẽ không nên nghe nhạc lúc này. Nhưng dường như có niềm bi phẫn nghẹn ngào trong tim óc, thúc gịục mình phải gào thét lên một cái gì. Tại sao dòng nhạc tinh hoa, ngọt ngào sữa mật của một thủa vàng son lộng lẫy lại bị vùi dập, và cái loại “nhạc ” hô khẩu hiệu, nhạc sắt máu, nhạc chọc thủng lỗ tai…lại trồi đầu lên được? Không thể như thế!
Căn nhà của mẹ Việt Nam tuy bị giặc cướp tạm chiếm, nhưng con dân của mẹ vẫn còn đây, cờ Vàng vẫn tung bay khắp nước Mỹ, chiến sĩ hải lục không quân vẫn chỉnh tề quân phục trong các ngày đại lễ, thì lời ca tiếng nhạc cũng phải bay cao. Hát lên đi chứ! Vùng lên đi chứ! Sao ta lại chọn cách giữ im lặng, dành cho bọn thợ thiến heo, thợ cạo mủ… cất cao tiếng sủa của loài lang sói. Hơn nửa thế kỷ chiếm đóng, bọn giặc chỉ tạo ra được những “ca khúc ”Cô Gái Vót Chông, Đôi Mắt Mang Hình Viên Đạn, Sóc Bom Bo… và “tình ca” của chúng chỉ là những câu buồn cười khó tả “Dậy đi mua đồ nấu canh chua, Về cho ba mày bữa cơm trưa ”. Không thể để cho mấy cái giẻ rách tanh hôi này che phủ lên những cánh hoa rực rỡ sắc hương mà các ca, nhạc sĩ của chúng ta đã dầy công vun xới trong những tháng ngày đất nước sống trong tự do hạnh phúc và cả ở nơi quê hương mới này..
Để cho bọn mọi rợ độc quyền ca hát vào cái ngày chúng cướp nước, là chúng ta có tội, đã để chúng phóng uế vào văn hóa Việt Nam. Hãy làm cho lời ca trữ tình và truyền cảm, tiếng hát mượt mà của chúng ta, như hương thơm của hoa đẹp bát ngát không gian, đẩy lùi tiếng gào của ngạ quỷ, xua đi xú uế của loài lang sói.
Tôi nghĩ thế, và tôi thầm cảm ơn những người đã khổ công tổ chức một Chương Trình Ca Nhạc đặc sắc “Những Tháng Ngày Không Quên ” để tưởng nhớ 40 năm biệt xứ xa quê.
Sáng chủ nhật trời trong, gió nhẹ, chưa biết làm gì cho qua thời gian chờ đến buổi chiều nghe nhạc, thì có ông Dược sĩ Thịnh rủ đi uống Cà phê. Vui chuyện, liền khoe với bạn: “Chiều nay tôi đi nghe nhạc ”.
Ông bạn hỏi: “Nhạc ở đâu? Ai tổ chức ?”
– À, nghe đâu anh chị Đèo Văn Sách, Kim Phụng và một số anh chị em nghệ sĩ…tổ chức ở Jewish Center.
– Ầy, họ tổ chức thì hay lắm đó! Đi mà nghe! Nhưng nhóm ấy tổ chức thì phải có vé mời, mới dzô được. Đi ‘bậy ’, không vào đượcđâu!
– Thì tôi đã có “tay trong ”. Ông Nguyễn Tuấn “của mình ” đó. Ổng xoay cho tôi được hai vé mời. Lại nhờ có bà Hồng Thủy ưu ái gởi giấy mời kịp thời, chứ không thì cũng…phèo !
– Lão Tuấn chắc quên tôi rồi! Nếu không, chắc tôi cũng được lão cho cái vé.
– Sao quên được! Nhưng biết ông ở mô mà mời. Tôi có hai vé, chia cho ông một cái đây!
Dù bà Hồng Thủy đã có nhã ý nhắc nhở, nên tới sớm để có chỗ ngồi tốt, ông Nguyễn Tuấn, bầu đoàn thê tử, và tôi vào tới Jewish Community Center thì chỉ sớm có mười lăm phút trước khi khai mạc. Ngặt một nỗi cái bãi đậu xe rộng lớn chung quanh bin đinh đã không còn chỗ trống! “Nhà hàng nào đông khách, thì chắc món ăn phải hẩu sực”, tôi nghĩ thầm. Nhưng không có chỗ đậu xe, thì biết dấu cái xe nơi nào! Chạy loanh quanh mấy vòng, lòng dạ bồn chồn, chưa biết làm sao, thì may quá, có một quý nhơn lùi xe ra đi. Phu nhân Nguyễn Tuấn liền nhảy ngay vào cái ô trống dang chân, dang tay, ra dấu “Chỗ này của tôi ” dù chằng có xe nào đi tới.
Đậu xe, trình vé vào cửa xong, thì đã khá trễ. Chương Trình khai mạc đúng giờ, có lẽ không sai một phút. Căn phòng lớn như một rạp cine’, đèn tắt tối đen, nhưng sân khấu sáng trưng. Một tấm phông lớn, bên trái vẽ phác hình Chợ Bến Thành 30-4-1975 và bên phải có hình “Tháp Viết Chì Washington ” với hàng chữ số 30-4-2015, nhắc nhở thính giả thời gian đã trôi qua 40 năm từ ngày chúng ta còn thấy chợ Bến Thành, cho tới nay đang ở nơi có “Cây Viết Chì ” cao vút trời xanh. Hai bên “cánh gà ” của sân khấu trang trí hình hoa anh đào, nhắc chúng ta mùa xuân rực rỡ đã trở về trên đất nước Hoa Kỳ.
Lóng ngóng tìm chỗ ngồi gần cuối rạp, yên vị xong,mới hay phần lễ khai mạc đã qua, chào cờ mặc niệm đã xong, và có lẽ đã qua luôn bản “Saigon Đẹp Lắm” do ban Nhạc Hải Đăng hòa tấu. Tuy vậy ba phần của chương trình Nhạc vẫn còn gần như nguyên vẹn.
Mở đầu cho Chương Trình là Phần I, để tưởng nhớ đến Việt Nam Cộng Hòa Yêu Dấu.
Chúng tôi đến trễ nên không được coi Nhạc Cảnh “ Saigon Vẫn Mãi Trong Tôi ” và nghe Ban Nhạc Hải Đăng hòa tấu Saigon Đẹp Lắm của Y Vân.

Trên sân khấu, MC. Vân Anh đang giới thiệu nhóm tam ca nữ: Thái Ninh-Như Hương-Hiếu Thuận, với ca khúc Saigon Nắng Nhớ Mưa Thương.

Lời ca ngọt ngào đưa hồn thính giả về một Saigon diễm lệ,với bao nhiêu kỷ niệm một thời mơ mộng
Saigon nắng nhớ mưa thương
Saigon một thủa Trưng Vương ngọt ngào
Hồn thơ lai láng ngàn sao
Áo em màu trắng dạt dào tim anh!
Thơ của Nguyễn thị Ngọc Dung quyện vào nét nhạc tài hoa của cố nhạc sĩ Nhật Bằng làm thổn thức bao trái tim những con người của Saigon một thủa, dù nay mái tóc đã đổi màu.

Nam Ca sĩ Duy Vũ tiếp theo với giọng hát trầm ấm, truyền cảm bài hát Hướng Về Hà Nội. Không biết có bao nhiêu thính giả hôm nay đang hướng về Hà Nội, nhưng tên “Bắc Kỳ Di Cư ” là tôi đây, thì chỉ nhớ tới một đoạn của bài hát đó:
Một ngày mùa chinh chiến ấy,
Chim đã xa bầy mịt mờ bên trời bay
Một ngày tả tơi hoa lá,
ngóng trông về xa … luyến thương hình bóng qua!

Chẳng hiểu vì sao bài hát Hướng Về Hà Nội lại được cho vào phần Chương Trình Tưởng Nhớ Miền Nam Việt Nam Cộng Hòa yêu dấu.

Cô Kim Phụng với bài hát Về Đây Anh khiến chúng ta nhớ tới một thời chinh chiến, đất nước vẫy gọi những kẻ lầm đường theo cộng sản trở về với vòng tay của Miền Nam nhân ái.

Người ơi! Nước Nam của người Việt Nam
Vì đâu oán tranh để lòng nát tan…
…Về đây, áo cơm đùm bọc lấy nhau…

Lời ca mộc mạc, như nức nở, như than van, và giọng hát trĩu nặng niềm tâm sự, bây giờ nghe hát mà còn làm thổn thức tim gan các cụ già viễn xứ, chẳng ngạc nhiên mấy chục năm xưa, bài hát này đã khiến hàng ngàn cán cộng phải nhỏ lệ xuống trái tim non, quay súng trở về chính nghĩa.

Nam ca sĩ Sĩ Tuấn với ca khúc Biệt Kinh Kỳ khiến chúng ta nhớ tới sự lãng mạn nhưng hào hùng của những chàng trai thời chinh chiến, xếp bút nghiên đi trả nợ núi sông

Rồi đây mai này ai hỏi đến tên tôi
Bạn ơi! Hãy nói “khoác chiến y” rồi
Người thư sinh ấy đã xếp bút nghiên
giã từ trường yêu với bao nhiêu bạn hiền
có về là khi nước non vui bình yên.

Ca sĩ Thái Ninh đã ru hồn thính giả với Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gẫy, của nhạc sĩ tài hoa Trầm Tử Thiêng. Bản nhạc này đúng là một câu chuyện có lớp lang về một cây cầu đã gẫy. Như một điệu Nam Bình, Nam Ai của xứ Huế, nhà nhạc sĩ, qua “giọng kể ” của Thái Ninh, cho chúng ta biết lai lịch cây cầu:

“Một ngày vào thuở xa xưa trên đất Thần Kinh – Người bỏ công lao xây chiếc cầu xinh – Cầu đưa lối cho dân nối liền cuộc đời – Khắp cố đô dân lành vui ca thành điệu Nam Bình – Niềm vui bao lâu ước mơ, giờ trên xứ thơ cầu nối liền bờ – Thỏa lòng người dân hằng chờ có ngày hẹn hò tình đẹp như mơ.”

Cây cầu cũng là tác nhân và chứng nhân cho bao cuộc tình thơ mộng:
“Ngày nào cầu đã đưa anh qua phố tìm em – Cầu đã đưa ta sang chỗ hẹn nhau – Cầu tha thiết khuyên anh giữ trọn tình đầu – Nước dưới cầu trong veo – Như cuộc tình duyên nghèo…”

Rồi giặc Bắc Cộng một đêm tràn vào xứ Huế đã khiến điệu ca Nam Bình tươi thắm về cây cầu chuyển thành điệu Nam ai sầu thảm:
“Tình người về giữa đêm xuân chưa dứt cuộc vui – Giặc đã qua đây gây cảnh nổi trôi – Cầu thân ái đêm nay gẫy một nhịp rồi – Nón lá sầu khóc điệu Nam Ai tiếc thương lời vắn dài…”
Để quên đi những chiếc “nón lá sầu khóc điệu Nam Ai ”, thương tiếc cho cây cầu và bao cuộc tình đổ gẫy, đôi song ca nam nữ Kim Phụng-ĐèoVăn Sách an ủi thính giả đang ngậm ngùi, bằng bài ca trữ tình, xác quyết dù có chông gai cách trở, cuộc tình lứa đôi vẫn “ Không Bao Giờ Ngăn Cách ”
Người lính chiến ra đi “viết tên người yêu lên ba lô nặng trĩu, mang theo bao nhiêu tình ý ”, tự nhủ lòng “ Dẫu cho thời gian đem tâm tư vào nhớ, Lá rơi gọi mùa thu về sân úa, vẫn không bao giờ…không bao giờ ngăn cách đâu em ” trong khi người ở lại nguyện rằng “trái mộng còn trinh nguyên khi đón anh trở về ”. Còn gì cảm khái hơn!
Cầu gãy, thư sinh khoác chiến y, người đi, kẻ ở hẹn nhau “không bao giờ ngăn cách ”…ấy là cuộc chiến tranh vệ quốc đã đến hồi quyết liệt. Ca sĩ Nguyệt Anh với Liên Khúc “Người Ở Lại Charlie ” và “Anh Không Chết Đâu Anh ”, khiến thính giả như giật mình tình dậy từ một giấc mơ hoa êm đẹp, để phải chứng kiến cảnh bom rơi đạn nổ, chết chóc ngập trời. Tiếng hát giật lên từng hồi cùng với tiếng trống tiếng chiêng của Ban Nhạc Hải Đăng làm sân khấu như vỡ tung. Những cành hoa đào hoa mai vẽ trên “ cánh gà ”bỗng như những tia lửa đạn tung tóe bên những “cánh dù sáng trên đồi máu ”.
Phần 1 của chương trình nhạc để tưởng nhớ Việt Nam Cộng Hòa yêu dấu đã kết thúc với Liên Khúc đầy bom đạn máu lửa này.
PhầnII của Chương Trình Nhạc được đặt tên là: Những Tháng Năm Điêu Linh
Có tới tám hay chín ca sĩ, và một số tương đương các diễn viên nhạc cảnh. Ca sĩ Nguyên Thủy xinh đẹp trong chiếc áo dài màu vàng sậm lóng lánh, đã mở đầu Phần Hai với ca khúc Nghẹn Ngào, thơ Trần Việt Tân và Nhạc Vĩnh Điện. Đúng là ca khúc “nghẹn ngào ”, vì tuy ca sĩ hát rất khỏe, mà tôi không nghe rõ được một lời ca nào, chỉ nghe nhạc đệm rời rạc.

Ca sĩ Đèo Văn Sách với bản tình ca Bằng Lăng Hoa Tím Ngày Xưa gợi cho thính giả nhớ tới những cuộc tình dang dở trong thời ly loạn, thấy đâu đây bóng dáng của chính mình, khi phải vĩnh biệt người yêu dấu, vì hoàn cảnh nghiệt ngã trong một đất nước quá điêu linh
Về bên sông cũ chiều nay,
Bằng Lăng còn đó, người đâu mà tìm!
Bằng Lăng ơi hỡi bằng lăng,
Chỉ còn hoa tím, giăng giăng mưa buồn!

Bạch Cúc với Saigon Vĩnh Biệt của Nam Lộc làm nhỏ máu trái tim và rơi nước mắt của bao thính giả, con dân của một thủ đô hoa lệ, giờ chỉ còn trong ký ức
Saigon ơi! Tôi đã mất Người trong cuộc đời.
Saigon ơi! Thôi đã hết thời gian tuyệt vời.
Saigon ơi! Nắng có vẫn còn vương trên đường
Đường ngày xưa mưa có ướt ngập lối người về
Rồi mùa thu lá còn đổ xuống công viên
Bóng gầy còn đứng nghiêng nghiêng
Đúng là nắng nhớ, mưa thương, nắng ngọt xoài vàng, mưa xanh vú sữa, khiến kẻ tha hương cách nửa vòng trái đất mà vẫn mơ về chốn cũ.

Vân Anh với Một Chút Quà Cho Quê Hương của Việt Dzũng, làm cho thính giả ngậm ngùi, nghĩ về cái thời cả nước giống như một trại tập trung, người trong “trại” ngày đêm ngóng chờ những gói quà tiếp tế từ phương xa, và kẻ ở phương xa thì tan nát cõi lòng, máu hòa nước mắt trong những món quà gửi về nơi tù ngục:

Gởi về cho chị dăm ba xấp vải
Chị may áo cưới hay chị may áo tang
Gởi về cho em kẹo bánh thênh thang
Em ăn cho ngọt vì đời nhiều cay đắng

Con gởi về cho cha một manh áo trắng
Cha mặc một lần khi ra pháp trường phơi thây
Gởi về Việt Nam nước mắt đong đầy …

Phần II của Chương Trình còn nhiều bài hát được các ca sĩ biểu diễn rất hay. Lộc Khuê với Trả Lời Thư Em, Như Hương hát Một Lần Đi, Loan Phương ca Pho Tượng… đều là những màn trình diễn xuất sắc.

Phần III của Chương Trình Ca Nhạc có chủ đề: Nơi Đây Vẫn Nhớ Về Chốn Cũ cũng rất phong phú với các diễn viên nhạc cảnh Lê Trừơng Nhã, Hà Sang, Tammy Lê, Brandon Bùi, Hà Thiên Uyên, Hà Vĩnh Lạc… và đông đảo các ca sĩ nam nữ: Tuyết Lan, Loan Phượng, Duy Vũ, Nguyệt Anh, Vân Anh, Kenny Nguyễn, Hiếu Thuận, Thái Ninh, Sĩ Tuấn, Trần Dũng.
Phần III Nhớ Về Chốn Cũ, ngoài những nhạc phẩm nổi tiếng, đã được hát nhiều lần, như Đường Xưa Lối Cũ của Hoàng Thi Thơ, Lâu Đài Tình Ái của Trần Thiện Thanh, Tiếng Hát Với Cung Đàn của Văn Phụng, Biết Bao Giờ Trở Lại của Ngô Thụy Miên, còn có một tác phẩm tương đối mới của Nhạc Sĩ Nguyễn Tuấn: Mỗi Độ Xuân Về. Ca khúc này được ca sĩ Tuyết Lan trình bày rất truyền cảm và phần nhạc cảnh phụ diễn làm cho bài hát có vẻ khác lạ, và hay hơn nhiều, so với khi tôi nghe chỉ mới vài tuần trước đây.

Nội dung bài hát diễn tả một nỗi buồn sâu kín của nhiều người Việt ly hương: Thân xác lúc về cát bụi không được nằm gần với tổ tiên. Một bà mẹ già viễn xứ nơi quê người, lòng luôn mơ về chốn cũ. Mỗi độ Xuân về, lại nhớ cây mai vàng trước ngõ, đôi mắt buồn nghĩ tới nắm xương tàn của mình rồi cũng sẽ phải vùi trên đất lạ. “ Vùi đất lạ thịt xương e khó rã. Hồn không đi sao trở lại quê nhà ”; đó phải chăng là niềm tâm sự u uẩn của các ông cha, bà mẹ, nay đã vóc hạc mình mai, sau bốn mươi năm biệt xứ lưu vong.
Mẹ cứ thở dài và Mẹ luôn hỏi mãi:
Đến bao giờ mới được về sống ở Việt Nam
Mẹ yêu dấu ơi! Con biết trả lời sao!
Khi không ai biết được ngày về,
Nhưng riêng con, con biết thật một điều, một điều rất không vui
Là… Mẹ yêu dấu ơi ! Mẹ sẽ gởi nắm xương tàn trên đất nước người ta !
Nhìn mắt mẹ buồn em chợt thấy xót xa
Em biết Mẹ đang rất nhớ quê nhà.
Mẹ vẫn nói, anh ơi, mẹ nhớ nhất:
Nhớ gốc mai vàng trước ngõ lúc Xuân sang.

Nhưng cơ trời dâu bể, khó ai thấy được then máy huyền vi của con tạo. Cái mà ta tưởng là không thể, biết đâu lại chẳng sớm xảy ra. Và nếu như tôi có thể nói với bà mẹ Miền Nam “thương cội mai vàng ”, tôi sẽ nói khác với nhà thơ Hồng Thủy và ông Nhạc sĩ Nguyễn Tuấn: “Là Mẹ yêu dấu ơi! Mẹ sẽ gởi nắm xương tàn trên đất nước Việt Nam.”

Phần III, và cũng là phần cuối của chương trình nhạc, được kết thúc với màn trình diễn bài hát: Vẫn Còn Đây Các Con Của Mẹ, của toàn thể các ca sĩ và diễn viên, có vỗ tay của khán thính giả dưới các hàng ghế, có vẫy cờ vàng của ca nhạc sĩ trên sân khấu. Tiếng hát vui tươi rộn rã như đưa tiễn thính giả ra về, mang theo dư âm của một buổi ca nhạc tuyệt vời.

Buổi Hòa nhạc này đem tới cho tôi sự ngạc nhiên thích thú và chút suy tư lẩm cẩm. Lần nào khi tới cái Jewish Community Center, tôi cũng có niềm ao ước. Dù đã biết là các ông bà Do Thái tài giỏi và có thế lực hơn cộng đồng chúng ta mọi mặt, tôi vẫn cứ ao ước chúng ta có được một cái trung tâm sinh hoạt như Jewish Center này để mà hòa nhạc, để mà vui chơi. Đã bốn mươi năm qua cộng đồng người Việt chúng ta đã ăn nên, làm ra, cũng trưởng thành mọi mặt, vậy mà vẫn không có nổi một Trung Tâm Sinh Hoạt đúng tầm mức của một cộng đồng vững mạnh tại vùng thủ đô này.
Điều ngạc nhiên của tôi là làm sao Ban Tổ Chức đã tập hợp được nhiều nhân sự và phương tiện để tổ chức một chương trình ca nhạc có giá trị cao như thế. Dù có bao nhiêu phương tiện vật chất, nhưng nếu không tập hợp được một số đông đảo tài năng ca sĩ, nhạc sĩ, kể cả ban nhạc Hải Đăng danh tiếng và âm thanh của Hoàng Lộc, thì cũng khó mà thành công như đã thấy.
Điều ngạc nhiên khác của tôi là: tại sao các ca sĩ không chuyên nghiệp mà lại hát hay đến thế! Các nữ ca sĩ như Thái Ninh, Hiếu Thuận, Nguyệt Anh, Bạch Cúc, Vân Anh, Như Hương, Tuyết Lan, Loan Phượng Kim phụng, Hạnh Trang và các nam ca sĩ như Duy Vũ, Kenny Nguyễn, Sĩ Tuấn, Trần Dũng, Lộc Khuê…đều hát rất tuyệt vời.
Đèo Văn Sách thì lại là một…dị nhân đối với tôi. Tôi biết con người đa tài này qua những lần ông làm MC trong các buổi họp cộng đồng, những lần ra mắt sách… với tài ăn nói duyên dáng và lưu loát. Ngờ đâu ông Đèo Văn Sách lại còn biết hát, và hát hay như thế! Chắc nhiều người đã được nghe ông Sách hát, nhưng với tôi, thì đây là lần đầu tiên. Mèn ơi! nghe ông Sách hát “Không Bao Giờ Ngăn Cách ” và “Bằng Lăng Hoa Tím Ngày Xưa ”, ngọt ngào như rót vào tai, tôi tưởng như nghe Sĩ Phú hay Duy Trác hát vậy.
Nếu có ai đó ghé mắt đọc qua những dòng tôi viết trên đây mà nghĩ rằng buổi ca nhạc này hay lắm, thì cũng không sai. Tuy nhiên, chữ nghĩa làm sao mà diễn tả được âm thanh và cảnh sắc. Tai phải nghe tiếng hát ngọt ngào, mắt phải thấy những nhạc cảnh mới lạ, những ca sĩ diễm lệ, hồn phải cảm thông lời giới thiệu của các MC “khéo nói ” về các ca khúc, thì mới đắm mình trong những giờ khắc tuyệt vời.
Hôm nay, tôi, một thính giả trong đám quần chúng vô danh xin gởi tới quý vị ca nhạc sĩ, những người tổ chức chương trình ca nhạc này lời khen ngơi thành thực và lòng biết ơn đã cho tôi một buổi chiều Xuân ngọt ngào trong âm thanh và màu sắc.

Bùi Xuân Cảnh

40-nam-xa-xu